pnvnonline@phunuvietnam.vn
“Dư chấn” dịch cúm corona, Tết ở Hội An vắng hơn ngày thường
“Do Tết năm nay rơi đúng vào mùa dịch cúm Corona, hơn nữa, lại đúng lúc có đoàn khách từ Vũ Hán – “tâm chấn” của đại dịch cúm đến Đà Nẵng, khiến cho mùa du lịch Tết của chúng tôi khá buồn tẻ, vắng lặng, hàng hoá ế ẩm, có lúc không bằng ngày thường…”
5 ngày xả cửa cho xe đẩy, hàng rong vào phố cổ bán hàng Tết vẫn ế
Quẩy đôi quang gánh đi lại đến cả chục bận trên con phố nhỏ ở Hội An, chị Lại Thị Tình, quê ở Bình Định than thở về chuyện bán hàng mấy ngày Tết năm nay ế ẩm. Chị Tình chào mời bằng một loạt câu tiếng Trung với đoàn khách Trung Quốc, xong lại quay ra chào mấy vị khách người Úc bằng những câu tiếng Anh, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, nụ cười, xua tay… Tôi hỏi chị: "Chị nói được cả tiếng Anh và tiếng Trung luôn hả?", chị Tình gật gù: "Tôi nói "bồi" thôi, tôi học mót của mọi người bán hàng ở đây, nói dần rồi cũng quen, cốt là du khách họ hiểu và mua hàng, trả giá cho mình là được".
Theo chị Tình, chị đã bán hàng rong ở Hội An được 4 năm. Cứ ra chợ lấy ít trái cây như chuối, roi, xoài, chôm chôm, mỗi thứ 1 vài cân, rồi gánh rong đi lại chào mời khách. "Thứ hàng quà ăn vặt vừa dễ bán, lại cũng khó bán" – chị Tình nói vẻ bí hiểm. Gặng hỏi, chị cho biết: "Năm nay chính quyền ở đây mở cửa 5 ngày Tết cao điểm nhất cho các tiểu thương xe đẩy, các loại hàng rong ở bên ngoài vào phố cố buôn bán, từ 29 Tết đến hết ngày mùng 3 Tết". Chị Tình tâm sự: Bình thường nếu không vướng dịch cúm ầm ĩ như hiện nay, thì với hàng trăm xe đẩy, hàng rong vào phố cổ ngày Tết cũng không lo ế, vì mùa du lịch Tết khách đến đây rất đông, bao nhiêu hàng cũng bán hết veo. Nhưng năm nay chỉ bằng 1/3, ¼ lượng khách so với những năm trước, thành thử, chúng tôi bán hàng đều nhờ sự ăn may. Ai mượn quang gánh chụp ảnh thì thương tình mua giúp ít trái cây cho chúng tôi, còn ai không mua thì cũng không sao, chúng tôi không lấy tiền mượn quang gánh chụp ảnh của họ.
Cũng là một chủ xe đẩy bán hàng trang sức trên phố cổ Hội An, chị Nguyễn Thuý Ngân đeo khẩu trang, nhưng đôi mắt vẫn ánh lên nụ cười: "Muốn tươi cười, niềm nở đón chào mời khách, mà tôi vướng cái khẩu trang mùa dịch, bất tiện quá". Thuý Ngân cho biết, chị có ô hàng bán ở sạp chợ ngoài phố, nhưng sạp cũng chật chội, Tết được xả cửa vào khu phố cổ, chị cũng tranh thủ gom thêm hàng mong muốn mùa du lịch Tết vớt vát được lộc cho những ngày tháng khó, vậy mà trúng vào mùa dịch cúm, bán hàng có người còn tranh thủ ngủ được giấc tạm. Năm trước, các chị ăn còn không có thời gian. Bán hàng từ sáng tới đêm vẫn có khách. Dịch cúm gì mà kinh thế, vừa sợ, vừa ế ẩm hết hàng.
Nhưng thi thoảng vẫn có một vài khách trẻ mua đồ trang sức, Ngân lại tỉ mẩn ngồi khắc tên của khách lên nhẫn, mặt dây chuyền, vòng tay để khách làm kỷ niệm một cách khéo léo, ấn tượng.
Bà Nguyễn Thị Thịnh, chủ một cửa hàng bán túi đeo, mũ nón, dép trên phố cổ Hội An cho biết: "Cả 5 ngày cao điểm Tết năm nay đều thưa vắng khách. Nhất là 3 ngày đầu năm mới do du khách huỷ chuyến đi du lịch tương đối nhiều. Nhất là hôm có đoàn khách từ Vũ Hán đến Đà Nẵng, khiến chúng tôi cũng bị ảnh hưởng. Ngày mai, nhóm những xe hàng rong, xe đẩy phải ra khỏi phố cổ, vì hết đợt xả cửa, chỉ còn lại các gian hàng cố định của chúng tôi ở đây, có lẽ nơi này còn thưa vắng, buồn hơn hôm nay nhiều".
Lo nhất là dịch cúm chưa được dập tắt
Tại phố cổ Hội An ngày mùng 3 Tết, thi thoảng lại có xe ô tô khách chở đoàn khách tới ào ạt một đợt. Các đoàn khách nhỏ lẻ cũng ít hơn. Các gian hàng khá vắng vẻ. Khách đến Hội An hôm nay ít đeo khẩu trang, lượng du khách Trung Quốc cũng không nhiều. Số khách khác tranh thủ check in nên bỏ khẩu trang ra cho tiện chụp ảnh, không gian phố cổ vì thế cũng bớt ồn ào, gây lo lắng, hoang mang cho người dân ở đây khi cả thành phố đều gặp nhau, nhìn nhau với gương mặt che kín sau khẩu trang.
Ngay các quán ăn ít ỏi mở phục vụ du khách ngày Tết, cũng có nơi dành riêng cho du khách Trung Quốc. Người Việt hay một số du khách nước ngoài khác thấy có người Trung Quốc sẽ không vào quán đó nữa. Một số quán ăn khác lại xua tay từ chối không phục vụ khách Trung Quốc với nụ cười rất tươi, mong được thông cảm vì đang phòng đại dịch cúm.
Những con thuyền xinh xắn, được trang trí đèn lồng, bóng bay phục vụ du khách mùa Tết rất lung linh, huyền ảo. Ai đến Hội An hầu như cũng muốn thử trải nghiệm đi thuyền trên con sông Hoài thơ mộng chảy dọc theo phố cổ đong đầy cảm xúc. Giá mỗi chuyến thuyền du ngoạn chỉ từ 30.000 – 50.000 đồng/ 30 phút, bạn sẽ được ngắm toàn cảnh Hội An từ lúc sáng sớm đến khi những ngọn đèn lồng được thắp sáng đêm muộn. Vậy mà hôm nay, từ sáng tới trưa, từ trưa sang chiều, những phụ nữ lái đò vẫn ngồi một mình "đơn côi" chờ khách với tâm trạng buồn nản. "Khách vắng quá, nên chúng tôi có khi cả ngày Tết không được chuyến nào. Tết đúng mùa dịch cúm của Trung Quốc, dân thuyền chài đói thật rồi cô ạ" – bà Bích, một lái thuyền lặng lẽ ngồi buồn bộc bạch.
Dù là mùa du lịch Tết nhưng mọi hàng hoá ở Hội An vẫn được niêm yết đúng giá, đúng hàng, mọi du khách có thể thoải mái, yên tâm chọn lựa món đồ mình mua mà không lo bị chặt chém do Tết như nhiều nơi.
Phố cổ Hội An vẫn bình yên, huyền ảo như vốn dĩ, chỉ có điều, do ảnh hưởng "dư chấn" dịch cúm corona, phủ lên nơi này một nét buồn nhè nhẹ những ngày đầu năm mới. Một số người dân buôn bán lâu dài ở Hội An còn thở dài ngao ngán: Chúng tôi nghe nói, 218 người dân Vũ Hán đến Đà Nẵng, họ ở một khu riêng dành cho khách Trung Quốc, sau mấy ngày họ di chuyển sang Nha Trang (Khánh Hoà), rồi từ đó bay về Trung Quốc. Họ đi rồi phần nào thở phào, nhưng chúng tôi vẫn lo còn nhiều người Trung Quốc khác không biết có nhiễm dịch không khi đến chỗ chúng tôi. Dù kinh doanh có thể ế ẩm, nhưng lo nhất là làm sao Việt Nam đừng có thêm người nhiễm loại bệnh cúm đó nữa. Chỗ chúng tôi sống ở vùng du lịch lớn, không bán được hàng cũng buồn, kinh tế gia đình cũng khó khăn, nhưng lo nhất là dịch cúm vẫn chưa được dập tắt.