Du lịch đã khiến thiên đường nghỉ dưỡng của Philippines thành 'đảo chết'

03/05/2018 - 22:15
Philippines đã đóng cửa hòn đảo Boracay được mệnh danh là thiên đường nghỉ dưỡng trong 6 tháng bất chấp thiệt hại nặng nề. Du lịch đã khiến môi trường của hòn đảo này hiện bị ô nhiễm nghiêm trọng đến mức Tổng thống Duterte gọi nó là một hầm phân.
Đảo thiên đường Boracay biến thành “đảo rác”
 Boracay là một hòn đảo nhỏ dài 7 km với diện tích xấp xỉ hơn 10km2 thuộc tỉnh Aklan, nằm cách thủ đô Manila của Philippines hơn 300km về phía Nam. Ở đây du khách sẽ tìm thấy cát trắng tuyệt đẹp với tổng cộng 13 bãi biển bao quanh hòn đảo thiên đường này.
Điểm thu hút chính đối với Boracay là đường bờ biển với những hàng dừa xanh nghiêng bóng, cát trắng mềm mại và dòng nước xanh trong vắt. Boracay nổi tiếng đến mức người ta truyền tai nhau rằng, nếu đã tới Philippines thì nhất định phải ghé qua hòn đảo này.
 
boracay-1.jpg
Vẻ đẹp quyến rũ của Boracay từng níu chân du khách

Bên cạnh vẻ đẹp đặc trưng vẫn giữ được nét hoang sơ, gần gũi với những hạt cát lấp lánh dưới ánh nắng vàng rực rỡ, rong biển xanh tươi 'tung tăng bơi lội' trong làn nước trong vắt cùng lớp sóng biển hiền hòa, thơ mộng, dung dị và quyến rũ đến lạ kỳ... Ban ngày, nơi đây có nhiều hoạt động ngoài trời hấp dẫn, thú vị như dạo biển ngắm cảnh với thuyền buồm, trượt tàu hơi bay tìm cảm giác mạnh, bơi lội vui đùa với sóng nước…

 
boracay-5.jpg
Boracay lung linh về đêm

Vào buổi tối, tại đây cũng có rất nhiều hoạt động vui chơi mới lạ, gây ấn tượng và hứng thú cho du khách. Có thể nói, đến Boracay, du khách không chỉ được khám phá vẻ đẹp nguyên sơ nhưng không kém phần quyến rũ mà còn được trải nghiệm những hoạt động vui chơi giải trí vô cùng đặc sắc, khiến bất kỳ ai nào đã đặt chân tới đây đều cảm thấy phấn khích và không nỡ rời đi.

 Năm 2016, Boracay được tạp chí Conde Nast bình chọn là hòn đảo nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất. Ngoài ra, nó còn đứng thứ hai trong số 25 bãi biển đẹp nhất châu Á và xếp hạng 24 trên thế giới theo đánh giá của giải thưởng Travellers' Choice năm 2018 của TripAdvisor.
 
boracay-4.jpg
Boracay biến thành "đảo chết" vì rác thải

Tuy nhiên, tình trạng khách quá tải đã gây ra không ít vấn đề về môi trường cho hòn đảo xinh đẹp này. Lượng rác thải lớn đã khiến nơi đây luôn ngập trong mùi hôi thối và tình trạng tảo xanh phát triển dọc theo bờ biển, phá hủy hệ sinh thái cùng làn nước biển xanh trong vốn dĩ là thương hiệu của Boracay.

Trong khi đó, 4 trong số 9 vùng đất ngập nước trên đảo bị chiếm dụng làm nơi xây dựng trung tâm mua sắm, khách sạn và nơi ở của khoảng 100 người định cư bất hợp pháp. Chính những sai phạm trên đã làm tăng mức độ vi khuẩn coliform, tác nhân gây hại trong hệ tiêu hóa dẫn đến tiêu chảy, mất nước, trong nguồn nước ở Boracay và kéo dài các đợt sinh sản của tảo. 

boracay-2.jpg
Rác ngập tràn bãi biển

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho rằng chính những khách sạn, nhà hàng và các doanh nghiệp khác trên Boracay đã làm môi trường của hòn đảo này bị ô nhiễm nghiêm trọng khi xả trực tiếp nước thải chưa qua xử lý xuống biển. Cụ thể, khoảng 300 doanh nghiệp được cho là đã phớt lờ các quy định về vệ sinh môi trường, trong đó 51 doanh nghiệp đã nhận được cảnh báo chính thức từ chính quyền. Tổng thống Rodrigo Duterte tuyên bố một là những ông chủ này phải dọn sạch rác, hai là hòn đảo sẽ bị đóng cửa... vĩnh viễn.

“Tôi sẽ đóng cửa Boracay. Nó bây giờ chính là một hầm phân. Các bạn hãy xuống nước và sẽ ngửi thấy một mùi hôi thối. Tất cả đều đến từ Boracay”, Tổng thống Duterte phát biểu trước giới lãnh đạo công ty lữ hành, nhà hàng, khách sạn…

 
boracay-3.jpg
Tảo xanh phát triển dọc theo bờ biển phá hủy hệ sinh thái

Đóng cửa Boracay bất chấp thiệt hại nặng nề

Chính phủ Philippines quyết định đóng cửa thiên đường nghỉ dưỡng Boracay do xuất hiện nhiều mối quan ngại về những thiệt hại đối với bờ biển nguyên sơ tại đây.
Cảnh sát trưởng khu vực Cesar Binag cho biết lệnh đóng cửa trong vòng 6 tháng đã có hiệu lực từ đêm 26/4 với việc khách du lịch bị cấm lên phà, phương tiện duy nhất để đến Boracay. Khoảng 600 cảnh sát đã được triển khai tại khu vực này, trong đó có các nhân viên an ninh chống bạo động nhằm mục đích ngăn chặn nguy cơ bất ổn phát sinh. Trong thời gian đóng cửa, chỉ có cư dân với thẻ căn cước được phép lên phà tới hòn đảo hiện có 40.000 dân này. Các thuyền bị cấm di chuyển trong vòng bán kính 3km từ đường bờ biển và chỉ có người dân Boracay mới được phép đánh cá trong vùng biển này.
 
rodrigo-duterte-boracay-4.jpg
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte quyết định đóng cửa thiên đường nghỉ dưỡng Boracay

Ước tính mỗi năm hòn đảo này thu hút tới 2 triệu lượt du khách và đóng góp tới 20% doanh thu cho ngành du lịch. Đó là chưa kể khoản doanh thu "khủng", khoảng 56 tỷ peso (tương đương 1,07 tỷ USD) mỗi năm mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch này thu được.

Khi Boracay ngừng kinh doanh du lịch, khoảng 36.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng. Theo dữ liệu từ tổ chức phi lợi nhuận Boracay Foundation, khoảng 17.000 nhân viên làm trong các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, cửa hàng đồ lặn, lưu niệm, trung tâm du lịch và nhà cung cấp vận tải sẽ mất việc làm. Ngoài ra, khoảng 19.000 lao động khác từ các lĩnh vực phi chính thức như massage bãi biển, thợ xăm, bán hàng rong cũng bị ảnh hưởng.

 Hàng trăm khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành... đã phải hủy toàn bộ đặt phòng, vé bay, lễ cưới và các sự kiện khác. Chủ tịch Hiệp hội Khách sạn và marketing Christine Ibarreta cho biết hàng trăm nghìn lượt đặt khách sạn và các dịch vụ du lịch khác trước 2 năm đã phải hủy, hoàn tiền hoặc đặt lại.
boracay-7.jpg
Khoảng 36.000 lao động sẽ bị ảnh hưởng vì Boracay bị đóng cửa

Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Duterte cho rằng những lợi ích có được trong dài hạn sẽ bù đắp được thiệt hại trong ngắn hạn khi đóng cửa Boracay. Dù biết rõ thiệt hại từ việc đóng cửa "thiên đường" du lịch Boracay, song chính phủ Philippines vẫn phải áp dụng biện pháp cứng rắn này nhằm khôi phục hệ sinh thái biển cho hòn đảo.

 Trong quá trình cải tạo lại hòn đảo, Bộ Môi trường Philippines đã ra cảnh báo vi phạm đối với các doanh nghiệp xả thải ra biển và yêu cầu phá hủy hơn 900 công trình xây dựng bất hợp pháp trong rừng và vùng đầm lầy, mở rộng thêm đường để giải quyết ùn tắc giao thông, chuyển taxi 3 bánh và ô tô thành xe điện. Thứ trưởng Môi trường Jonas Leones nhấn mạnh, quá trình tái thiết Boracay có thể dài hơn 6 tháng và chi phí thực hiện vẫn chưa được xác định. Nhà chức trách cũng sẽ hoàn tất kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý chất thải thành năng lượng vốn đem lại giải pháp lâu dài cho hòn đảo thải ra 90-115 tấn rác/năm này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm