Tại Hội nghị phản biện Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội cùa Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đã trao đổi một cách thẳng thắn về việc Dự thảo lần này tăng trần làm thêm giờ từ 300h/năm lên 400h/năm.
Ông Lợi khẳng định: "Tăng giờ làm trong điều kiện hiện nay là tối kiến." Lý giải cụ thể hơn, ông Lợi cho rằng, xu thế chung của thế giới là phải tăng năng suất lao động. Đặc biệt là tại Việt Nam khi năng suất lao động đang rất thấp so với khu vực và thế giới. Cụ thể, tăng năng suất lao động là phải giảm thời gian, tăng sản lượng, chứ không phải là tăng thời gian để tăng sản lượng.
Nếu tăng thời gian làm việc để tăng sản lượng thì đó là tăng cường độ lao động chứ không phải là tăng năng suất lao động. Và cả Quốc hội, Chính phủ cũng như người lao động đều không muốn điều này.
Tuy nhiên, với một số ngành nghề đặc thù, trong thời điểm hiện tại vẫn đòi hỏi việc làm thêm giờ, thậm chí tăng mức trần làm thêm giờ. Thông thường đó là những lĩnh vực làm việc có tính thời vụ. Nếu không làm thêm giờ, không tăng cường độ lao động thì nguyên vật liệu có thể hỏng do không bảo quản lâu được.
Chính vì vậy, mặc dù Bộ luật Lao động tăng mức trần quy định số giờ làm thêm nhưng kèm theo đó phải có danh mục những ngành nghề cụ thể được tăng mức trần số giờ làm thêm.
Ông Lợi thẳng thắn: "Chúng tôi đề nghị Bộ LĐTB&XH (cơ quan soạn thảo) phải "đánh bài ngửa" với Quốc hội là: Ngành nào lĩnh vực nào cho làm thêm giờ xin mời ông trình ra đây để Quốc hội quyết định luôn. Có thể Quốc hội quyết định và đưa ngay vào danh mục giống như là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nếu không thì giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Về nguyên tắc, nâng trần làm thêm giờ không thể đưa ra để áp dụng chung."
Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng nhìn nhận, hiện nay cũng có tình trạng chúng ta không quản được doanh nghiệp. Chúng ta quy định mức trần làm thêm giờ nhưng doanh nghiệp vẫn cứ bắt người lao động làm thêm nhiều hơn. Nhưng tình trạng này không phải là do pháp luật sai, mà là do quản lý nhà nước kém.
Việc làm thêm giờ ở một số ngành nghề cũng mang tất yếu khách quan, chẳng hạn đang mùa vụ, anh không làm thêm giờ thì nguyên liệu là nông sản có thể thối hỏng bỏ đi, doanh nghiệp chết, nhưng mà làm đến mức trở thành lương quá cao thì chủ cũng không muốn trả. Chính vì vậy, cần có điều kiện: chủ yêu cầu nhưng cũng phải có sự chấp nhận của thợ, đây là điều tiên quyết nhất và chỉ ở một số ngành nghề.