pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi): Cần bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, thảo luận. Ảnh quochoi.vn
Tiếp tục chương trình sáng 11/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Phần lớn các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật này kịp thời thể chế hóa quan điểm chủ trương của Đảng về một số chính sách chủ động phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Đại biểu Phạm Thị Kiều - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông, cho rằng, dự thảo luật chỉ quy định những nguyên tắc chung làm cơ sở pháp lý cho việc giao dịch trên môi trường điện tử, còn giao dịch trực tiếp, truyền thống thì vẫn tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành trong từng lĩnh vực. Tại Điều 2 của dự án Luật về đối tượng áp dụng đã quy định Luật này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn về các đối tượng chịu áp dụng để đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng của văn bản pháp luật.
Về các hành vi bị cấm, đại biểu Trần Chí Cường - Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng, cho rằng: Trong giao dịch điện tử, dữ liệu là yếu tố quan trọng nhất bao gồm việc quy định quyền và nghĩa vụ của người tạo ra dữ liệu, quyền của người sử dụng dữ liệu, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng dữ liệu. Tuy nhiên, trong dự thảo luật chưa quy định rõ các nội dung này.
Theo đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung nhằm đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến sử dụng, khai thác, phân tích, kinh doanh các dịch vụ liên quan đến dữ liệu được tạo ra trong các giao dịch điện tử. Bên cạnh đó, vấn đề bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng cần được quan tâm.
Theo đại biểu Trần Chí Cường, chúng ta đã có một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về bảo vệ thông tin cá nhân như Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng. Tuy nhiên, các quy định chưa hoàn toàn cụ thể và xác thực với hoạt động giao dịch điện tử. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định vào Điều 8 về các hành vi bị cấm. Đó là nghiêm cấm hành vi làm lộ, lọt thông tin cá nhân khi chưa được sự cho phép hoặc thỏa thuận với tổ chức, cá nhân có hoạt động giao dịch điện tử.
Đồng quan điểm, đại biểu Dương Tấn Quân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho biết: Về an toàn thông tin và an ninh mạng trong giao dịch điện tử, luật hiện hành có một số quy định về an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp, dữ liệu chưa được cụ thể hóa để đảm bảo an toàn, an ninh mạng trong giao dịch điện tử nói chung. Tại thời điểm luật ban hành, hệ thống pháp luật Việt Nam chưa có hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung, dẫn chiếu Điều 53 của dự thảo luật đến Luật Công nghệ thông tin để thực hiện một cách thống nhất.
Trước đó, Chính phủ đã có Tờ trình về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); dự thảo có 08 chương và 57 điều, trong đó các nội dung sửa đổi, bổ sung bám theo 09 chính sách. Một số nội dung sửa đổi bổ sung gồm: Mở rộng phạm vi điều chỉnh; về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử và về dịch vụ tin cậy trong giao dịch điện tử; về giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử; về hệ thống giao dịch điện tử, nền tảng số; về an toàn, an ninh, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử.