Dự thảo quy định 15m2 mới được đăng ký thường trú: “Không nên lấy bình quân để áp dụng cho toàn bộ Thủ đô”

Nguyễn Cảnh Dũng
05/04/2023 - 11:53
Dự thảo quy định 15m2 mới được đăng ký thường trú: 
“Không nên lấy bình quân để áp dụng cho toàn bộ Thủ đô”

Căn phòng trọ 17m2 nơi cả gia đình chị Đinh Thị Hạnh đang ở tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long

Đó là ý kiến đề xuất của TS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, xung quanh Dự thảo nghị quyết về diện tích nhà ở tối thiểu đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Theo dự thảo đang được TP Hà Nội lấy ý kiến lần 2, người đi thuê nhà muốn đăng ký thường trú trong nội thành phải có diện tích ở tối thiểu 15m2 và khu vực ngoại thành là 8m2.
Quy định 15m2 có quá cao?

Theo dự thảo nghị quyết về diện tích nhà ở tối thiểu đang được lấy ý kiến lần này, người đi thuê, mượn, ở nhờ muốn đăng ký thường trú tại 12 quận phải có diện tích ở tối thiểu 15m2, giảm 5m2 so với dự thảo lần một; khu vực ngoại thành (17 huyện và thị xã Sơn Tây) là 8m2. Diện tích nhà ở tối thiểu tính theo mét vuông sàn nhà cho một người thuê, mượn, ở nhờ.

Vào thời điểm cuối năm 2022, quy định diện tích tổi thiểu để được giải quyết thủ tục thường trú là 20m2/người. Tuy nhiên có nhiều ý kiến cho rằng, 20m2/người là quá cao, cao hơn nhiều so với 8m2 đã đưa ra. Hiện nay Hà Nội đã điều chỉnh xuống còn 15m2. 

UBND TP Hà Nội lý giải, quy định nói trên nhằm cụ thể hóa Luật Cư trú 2020, tạo cơ sở pháp lý để thành phố quản lý cư trú phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thành phố kỳ vọng thông qua nghị quyết này sẽ góp phần ổn định an ninh trật tự, đảm bảo đời sống an sinh xã hội của người dân.

Chị Dương Ngọc Ánh (32 tuổi, quê Hòa Bình) làm kế toán, chồng đang công tác tại một công ty truyền thông đã rất lo lắng sau khi xem dự thảo Nghị quyết. Chị Ánh cho biết, gia đình chị có 3 người, thuê phòng trọ rộng 20m2 tại quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) với giá 4 triệu đồng. Hai vợ chồng thu nhập khoảng 17 triệu đồng/tháng. 

"Con trai tôi chuẩn bị vào lớp 1, hai vợ chồng dự tính đăng kí hộ khẩu thường trú để cho con đi học trường công. Nếu giờ áp dụng theo quy định mới tối thiểu mỗi người 15m2 thì gia đình tôi phải thuê nhà rộng 45m2 mới đáp ứng được. Quy định về diện tích chỗ ở như vậy, chắc chắn vợ chồng tôi phải gửi con về quê để đi học vì không kham nổi tiền thuê nhà với diện tích như vậy", chị Ánh lo lắng.

Cùng chung nỗi lo, chị Đinh Thị Hạnh đang làm công nhân trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ: "Tôi làm cho một công ty Nhật Bản, chông tôi làm công nhân cho một công ty của Hàn Quốc, chuyên sản xuất phụ tùng xe máy. Cả hai vợ chồng đã có gần chục năm gắn bó với Hà Nội. 

Vợ chồng chúng tôi hiện có 2 con nhỏ, con gái lớn sắp vào lớp 1, cả nhà đang thuê trọ trong căn phòng 17m2 với giá 2 triệu đồng/tháng. Với thu nhập hiện tại, không thể có điều kiện thuê được nhà to hơn. Tôi mong UBND TP Hà Nội xem xét kỹ lưỡng để tránh gây khó khăn cho những người lao động nghèo như chúng tôi''.

Theo kiến trúc sư Vũ Đình Thiệp, hiện nay nhu cầu đăng ký thường trú vào chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân ngày càng tăng. Nhằm bảo đảm không gian tối thiểu để người dân có đủ không gian sống và hạn chế áp lực gia tăng dân số cơ học, ngăn chặn các khu nhà trọ rách nát, không đảm bảo văn minh đô thị, việc quy định về diện tích nhà ở tối thiểu khi đăng ký thường trú tại Hà Nội đối với chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của tổ chức, cá nhân là cần thiết. 

"Tuy nhiên, việc quy định 15m2/người/sàn là cao so với điều kiện thực tế của người dân lao động nhập cư vào Hà Nội. Cần đánh giá kỹ tác động của quy định là như thế nào, tránh gây khó khăn cho người dân có nhu cầu đăng ký thường trú mà vẫn đảm bảo phù hợp với quy định về cư trú", kiến trúc sư Vũ Đình Thiệp đưa ra ý kiến.

Dự thảo quy định 15m2 mới được đăng ký thường trú:  “Không nên lấy bình quân để áp dụng cho toàn bộ Thủ đô”  - Ảnh 2.

Dãy trọ cho công nhân thuê tại Khu Công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội)

Cần xem xét nhiều yếu tố khác

TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, cho biết, "Chương trình phát triển nhà ở thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2030" xác định mục tiêu phát triển nhà ở đến năm 2025 diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người toàn thành phố phấn đấu đạt 29,5m2/người, trong đó khu vực đô thị đạt 31m2/người. 

Theo ông Nghiêm, Hà Nội đang có sự phân bố dân cư chưa hợp lý. Khu vực nội thành đang quá tải, ngược lại, tại nhiều khu vực ngoại thành, các thành phố vệ tinh, số dân cư lại chưa đáp ứng. 

"Vấn đề dân số liên quan đến nhiều yếu tố, do đó cần phải đánh giá một cách chi tiết như hiện nay nội đô thế nào, các đô thị vệ tinh ra sao? Không thể lấy một chỉ tiêu bình quân như m2 cho tất cả Hà Nội mà phải tùy theo từng vùng. Khu vực nội đô hiện quá cao nên phải có cơ chế để hạn chế dân số tăng hơn nữa. 

Thế nhưng, ở khu vực đang phát triển như từ ngoài vành đai 3 trở ra thì lại đang rất cần tăng dân, nhất là các đô thị vệ tinh. Làm thế nào để có tỷ lệ dân số thích hợp ở những khu vực khác nhau của Hà Nội đó mới là điều quan trọng", TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ.

Theo luật sư Hoàng Ngọc Giao, điều 22 và 23 Hiến pháp 2013 quy định, mọi công dân có quyền có nơi ở hợp pháp và được tự do cư trú. Quy định được hiểu rằng, Nhà nước có trách nhiệm tạo mọi điều kiện pháp lý và vật chất để bảo đảm thực thi quyền này và việc có nơi ở hợp pháp chính là được ở nhà thuộc sở hữu, thuê, mượn hay ở nhờ người khác và được đăng ký tạm trú hoặc thường trú tùy yêu cầu và điều kiện riêng của mỗi cá nhân. 

Quy định diện tích ở tối thiểu 15m2/người đối với nhà thuê, mượn, ở nhờ mới được đăng ký thường trú sẽ tạo ra "hàng rào kỹ thuật" gián tiếp hạn chế quyền hiến định của người dân, đặc biệt nhóm đối tượng có thu nhập thấp. 

Thực tế, việc mỗi người dân có thể sở hữu nhà không dễ dàng nên rất nhiều người đã và đang phải thuê nhà ở. Quy định mới này nếu được thông qua sẽ gây khó khăn cho nhiều người dân trong việc tạo lập chỗ ở ổn định khi sinh sống và làm việc dài hạn ở Thủ đô.

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Trọng Hoàng, Công ty Luật Đồng Tâm Thăng Long, cho biết, quyền có nơi ở và quyền cư trú là quyền Hiến định và Nhà nước, chính quyền các cấp phải thực thi quyền Hiến định này. Để đảm bảo thực hiện quyền này, Luật cư trú 2020 quy định về đăng ký thường trú, tạm trú của công dân để vừa tạo điều kiện cho mỗi người dân, công dân nhưng cũng phải quản lý được cư dân. 

Điểm b, Khoản 3, Điều 20, Luật cư trú 2020 quy định điều kiện được đăng ký thường trú thì phải có chỗ ở tối thiểu không thấp hơn 8m2 sàn/người. Trong khi đó, theo quy định tại Điều 19, Luật Thủ đô thì dân cư trên địa bàn thành phố Hà Nội phải quản lý với quy mô, mật độ, cơ cấu theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. 

Khoản 3, 4, Điều 19 Luật Thủ đô quy định đối với ngoại thành thì thực hiện theo Luật cư trú 2020, còn nội thành thì: … b) Các trường hợp không thuộc điểm a khoản này đã tạm trú liên tục tại nội thành từ 3 năm trở lên, có nhà ở thuộc sở hữu của mình hoặc nhà thuê ở nội thành của tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhà ở; đối với nhà thuê phải bảo đảm điều kiện về diện tích bình quân theo quy định của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và được sự đồng ý bằng văn bản của tổ chức, cá nhân có nhà cho thuê cho đăng ký thường trú vào nhà thuê.

"Rất cần đưa ra diện tích sàn m2/người đối với đăng ký thường trú. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn về nhà ở hiện nay, dự thảo và sau này HĐND Thành phố Hà Nội thông qua cũng cần phải xem xét các yếu tố khác, đưa ra diện tích phù hợp hơn, tránh trường hợp đưa lên diện tích m2 sàn/người cao quá, gây khó khăn cho người dân cũng như công tác quản lý cư dân trên địa bàn Thủ đô", luật sư Hoàng nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm