pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đưa trái cây Sơn La đi xa nhờ ứng dụng công nghệ số

Chị Hà Thị Chinh (xã Chiềng Hặc, tỉnh Sơn La) livestream bán xoài
Giữa trưa hè, cái nắng gắt của vùng Tây Bắc dường như được xua dịu bởi không khí rộn ràng nơi sân nhà chị Hà Thị Chinh, bản Văng Lùng, xã Chiềng Hặc, tỉnh Sơn La.
Mỗi mùa xoài đến, nơi đây không chỉ là điểm đóng gói nông sản mà còn là "phiên chợ nhỏ" tràn ngập tiếng cười, người thì phân loại xoài, người bọc từng quả, người khênh từng rổ xoài lên xe công lạnh. Mồ hôi lấm tấm, tay ai cũng thoăn thoắt, vì bà con luôn dặn nhau: giữ lạnh sớm từng thùng xoài, là giữ nguyên chất lượng để xoài đi thật xa.
Từng quả xoài đạt chuẩn xuất khẩu được chị Chinh và mọi người nâng niu như "trứng mỏng": cuống dài đúng 2cm, không chảy nhựa; trọng lượng từ 6 lạng trở lên; không sâu, không nám, không đít nhọn.

Những trái xoài được chị Hà Thị Chinh nâng niu, đóng gói
Chị Hà Thị Chinh chia sẻ: "Chúng tôi thu hái theo từng lô nhỏ, vận chuyển bằng từng dành trở xe máy về kho nhẹ tay lau nhựa xếp từng quả, tránh dập, giữ nguyên phấn. Về tới sân là phân loại, bọc giấy, đóng rổ ngay, không để xoài quá lâu. Sau đó, xoài được đưa lên xe đông lạnh, bảo quản đúng quy chuẩn. Mỗi công đoạn là một mắt xích, thiếu một chút cẩn thận thôi là công sức cả vụ coi như uổng phí. Làm xoài xuất khẩu không chỉ là chuyện bán được xoài, mà là câu chuyện của uy tín niềm tin và tự hào".
Nhờ quy trình khắt khe, chuẩn chỉnh và sự chuyên nghiệp từ khâu sau thu hoạch, xoài của nhà vườn Thái Chinh đã nhiều năm liền đạt chuẩn xuất khẩu. Những trái xoài của chị Chinh đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính, đi xa hơn, và vững vàng hơn.
Từ livestream đến ứng dụng công nghệ số
Từ một người phụ nữ miền núi quanh năm gắn bó với ruộng nương, chị Hà Thị Chinh đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi bắt đầu lên mạng để bán xoài. Chị Chinh cho biết, chị mày mò, tự xem người khác livestream, rồi cũng bắt đầu livestream bán hàng từ những gốc xoài nhà mình. Và từ khi biết đến bán hàng online, livestream, chị được kết nối với nhiều khách hàng ở mọi vùng miền trên cả nước.
Bên cạnh đó, chị còn tham gia khóa đào tạo về chuyển đổi số, giúp chị thay đổi cách nhìn về việc làm nông nghiệp. Chị bắt đầu tiếp cận với mạng xã hội, học cách xây dựng thương hiệu cá nhân và doanh nghiệp trên Facebook, Zalo. Quan trọng hơn, chị biết cách "kể câu chuyện" về sản phẩm của mình, không chỉ là bán xoài, mà là giới thiệu quy trình canh tác hữu cơ, là chia sẻ hình ảnh lao động cần mẫn, là kết nối khách hàng bằng sự chân thành và minh bạch.

Chị Hà Thị Chinh livestream bán xoài
"Tôi bắt đầu đăng bài đều đặn hơn, có bài viết rõ ràng, ảnh đẹp hơn. Khách hàng không chỉ mua xoài mà còn hiểu mình là ai, làm gì, làm như thế nào. Từ đó, niềm tin được xây dựng, và đơn hàng cứ thế tăng lên", chị Chinh kể.
Với những người phụ nữ miền núi như chị Chinh, chuyển đổi số không chỉ là công nghệ, mà là đổi thay tư duy. Chị Chinh chỉ thay đổi trong cách quảng bá, mà còn đổi thay cách tổ chức công việc như: mạnh dạn thuê sinh viên thiết kế logo, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu; ứng dụng công cụ điện tử để quản lý đơn hàng, hỗ trợ vận chuyển, đặc biệt là vận dụng mạng xã hội để giữ kết nối chặt chẽ với khách hàng.
"Trước đây, tôi chỉ nghĩ đơn giản: làm xoài ngon thì sẽ bán được. Nhưng giờ tôi hiểu: phải biết kể chuyện, phải làm thương hiệu, phải có hình ảnh chuyên nghiệp. Người mua không chỉ muốn ăn ngon mà còn muốn hiểu người trồng, muốn thấy sự tử tế trong từng sản phẩm", chị nói.
Sự thay đổi tư duy đó đã mang lại hiệu quả rõ rệt, mùa xoài năm nay, doanh thu của chị Hà Thị Chinh tăng tới 50% chỉ trong vòng một tháng. Một con số biết nói cho thấy khi phụ nữ vùng cao biết làm chủ công nghệ, biết quảng bá, biết tự hào về chính mình, nông sản sẽ không chỉ còn ở vườn mà sẽ vươn ra thế giới.
Đồng hành cùng phụ nữ đưa nông sản đi xa
Phát triển thương mại điện tử, quản lý thị trường hiệu quả, đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Sơn La. Với một địa phương có thế mạnh nông sản, việc livestream bán hàng đã trở thành công cụ hiệu quả để thu hút khách hàng, tăng doanh thu.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Công Thương tỉnh Sơn La đã phối hợp tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các doanh nghiệp, HTX giới thiệu, quảng bá, bán sản phẩm nông sản trên nền tảng mạng xã hội (Tiktok, Zalo, Facebook) và các nền tảng thương mại điện tử. Qua đó, giúp các HTX, nông dân tiếp cận được công nghệ, chủ động tổ chức livestream tại vườn, bán nông sản khá hiệu quả. Nhiều nông dân không chỉ biết bán sản phẩm, mà còn kể câu chuyện về sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, tạo niềm tin của khách hàng với nông sản địa phương.

Hội LHPN tỉnh Sơn La đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số mở ra nhiều cơ hội cho hội viên phụ nữ khởi nghiệp bằng cách tiếp cận với các nền tảng số, kinh tế số
Đồng hành cùng hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh Sơn La đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho hội viên phụ nữ có thể khởi nghiệp bằng cách tiếp cận với các nền tảng số, kinh tế số. Cụ thể, các cấp Hội tập trung hỗ trợ phụ nữ tiếp cận kinh tế số gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, bán hàng trên nền tảng công nghệ số, kết nối, xúc tiến thương mại điện tử nhằm quảng bá, giới thiệu, kết nối tiêu thụ nông sản, sản phẩm do phụ nữ làm ra, cung ứng trong và ngoài tỉnh.
Từ đó, hội viên, phụ nữ có thêm kiến thức, kỹ năng trong việc vận dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho sản phẩm, tạo việc làm cho người lao động, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần đưa nông sản Sơn La vươn xa.