pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đứa trẻ làm đổ nửa hộp sữa tươi, câu nói của người mẹ gây tranh cãi
Ảnh minh họa
Cách đây một thời gian, trên mạng xã hội Trung Quốc, chủ đề "con gái 6 tuổi uống sữa tươi" lên hot search và gây ra những cuộc bàn luận sôi nổi. Nguồn topic là bài chia sẻ của một bà mẹ. Nhà chị có hai con, con gái lớn đã 6 tuổi, con trai thứ hai còn nhỏ.
Vì con gái đang tuổi lớn nên người mẹ đã đặt mua sữa tươi đắt tiền hơn cho con uống một hộp mỗi sáng. Nhưng hôm đó, người mẹ chưa kịp khui nắp thì bé đã đòi tự làm. Không được cho phép, đứa trẻ giận dỗi rồi khóc thút thít.
Người mẹ liền nổi giận: "Chuyện vặt vãnh như vậy cũng khiến nhà cửa nặng nề, thật bực bội". Nói xong, chị bỏ đi làm việc khác. Nhưng sau khi quay lại, người mẹ bất ngờ khi nhìn thấy cảnh tượng trước mặt. Cô con gái làm đổ một nửa hộp sữa, trên bàn lộn xộn không thể tả.
Người mẹ lấy phần sữa còn lại uống cạn, hét lên: "Con thích uống sữa tươi, bà nội cũng thích, nhưng mẹ chỉ mua cho con. Nếu con không trân trọng, sau này đồ tốt không chỉ dành cho riêng con nữa. Mẹ nói cho con biết nhà chúng ta không giàu có, mẹ chỉ có thể nuôi con và em trai, cho hai con cơm ăn áo mặc. Nếu con không hiểu được đó là công lao của mẹ thì sau này sẽ sống khổ cực cả đời!".
Có thể cảm nhận được rằng, thứ người mẹ này bức xúc không phải là hộp sữa tươi bị đỗ mà là đã "dâng" tất cả những gì tốt nhất cho con gái, cô bé vẫn "không hiểu ơn" và chị không nhận được "sự báo đáp".
Nhiều người thông cảm cho cảm xúc của người mẹ. Tuy nhiên, một số cư dân mạng tỏ ra bức xúc trước hành động thiếu kiềm chế: "Chỉ là một bình sữa mà thôi. Có cần phải thô bạo với con thế không?"; hay "Tôi cứ nghĩ tưởng chị đang nuôi một chú cún con, được cho ăn xong phải biết vẫy đuôi cảm ơn chủ?",...
Không thể phủ nhận những bậc cha mẹ "hy sinh" như bà mẹ này cũng là yêu con nhưng ở một khía cạnh nào đó, sự cho đi của họ giống một sự áp đặt nhân danh tình yêu hơn.
Liệu con cái có cảm kích sự "hy sinh" của cha mẹ?
Một số bậc cha mẹ mỗi khi con làm sai sẽ nói rằng: "Cha mẹ vì con, tất cả vì con"; "Nếu không phải vì con thì cha mẹ sẽ có cuộc đời tốt hơn"; "Nếu không có con, có cần ngày nào mẹ cũng dậy sớm làm muộn?"; "Nếu không phải vì con, mẹ đã ly hôn từ lâu rồi..."
Trong cuộc sống, rất nhiều cha mẹ có cách nghĩ sai lầm này. Họ cho rằng sự lựa chọn của mình là bắt buộc, và chính vì con cái mà họ phải chịu thiệt thòi trong cuộc sống. Họ tự cho mình là "người cho" và con cái là "kẻ nhận", thường đề cao sự cho đi và hy sinh của bản thân quá mức.
Cha mẹ vì con cái, dành hết sự quan tâm cho con cái là lẽ đương nhiên, và con cái đáng ra phải có tấm lòng biết ơn đúng không? Nhưng thực tế có như vậy?
Từng có câu hỏi trên Zhihu: "Liệu con cái có đánh giá cao sự hy sinh của cha mẹ?". Một số cư dân mạng trả lời: "Không, tôi thậm chí còn ghét nó".
Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình lẽ ra phải bình đẳng, nhưng do sự hy sinh tự thân của cha mẹ nên tâm lý đôi bên sẽ mất cân bằng. Cha mẹ cảm thấy rằng họ đã cho đi tất cả mọi thứ và có một hình ảnh tuyệt vời, họ sẽ vô thức yêu cầu con cái đáp lại điều gì đó. Mặt khác, trẻ thường mặc cảm, hoàn toàn không cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, thay vào đó là sự ngột ngạt.
Nhà giáo dục Anton Makarenko từng nói:
"Món quà khủng khiếp nhất mà cha mẹ có thể tặng cho con cái là hy sinh tất cả, thậm chí cả hạnh phúc cho con". Công bằng mà nói, không có cha mẹ nào không thương con, nhưng cũng không có người con nào không thương cha mẹ. Mong ước lớn nhất của con cái không phải là bố mẹ cho mình mọi thứ, mà là họ sống thật tốt và hạnh phúc từ tận đáy lòng.
Chỉ khi cha mẹ biết quan tâm và làm phong phú cuộc sống của chính mình, cuộc sống của con cái mới trở nên phong phú và nhiều màu sắc.
Con cái sẽ lớn lên và bay cao trên bầu trời, cha mẹ sớm muộn gì cũng phải học cách buông tay. Cha mẹ nào cũng nên hiểu một sự thật: Con cái không bao giờ đòi hỏi chúng ta phải hy sinh bất cứ điều gì, chúng muốn chúng ta được hạnh phúc. Những gì trẻ muốn và cần không nhiều như chúng ta tưởng tượng.