pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

Nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La ứng dụng công nghệ vào quá trình sản xuất nông nghiệp.
"Chìa khóa" cho sự phát triển bền vững
Nông nghiệp công nghệ cao hướng đến mục tiêu cuối cùng là tối ưu hóa hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, nâng cao chất lượng sản phẩm và mang lại giá trị gia tăng cao cho nông dân. Việc ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp tăng năng suất vượt trội mà còn góp phần bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên và xây dựng một nền nông nghiệp bền vững.
Tại Sơn La, nhận thức về tầm quan trọng của nông nghiệp công nghệ cao đã được chuyển hóa thành những hành động cụ thể và hiệu quả. Toàn tỉnh hiện có tổng diện tích cây trồng đạt 251.837 ha, trong đó diện tích cây lâu năm đạt 109.938 ha, tăng 4,41% so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, diện tích cây ăn quả và cây sơn tra chiếm 83.429ha, với sản lượng quả ước đạt 240.736 tấn (tăng 24,17%), cho thấy sự dịch chuyển cơ cấu cây trồng theo hướng sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
Các loại cây ăn quả chủ lực như xoài (19.615ha), nhãn (19.822ha), mận (13.450ha), chuối (5.920ha) đang được chú trọng đầu tư và phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao.
Sơn La đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trên nhiều lĩnh vực. Tỉnh đã công nhận 8 vùng cây trồng nông nghiệp công nghệ cao bao gồm xoài, na, nhãn, mận, cà phê, chè.
Bên cạnh đó, 1 vùng chăn nuôi bò sữa công nghệ cao tại Mộc Châu là một ví dụ điển hình về việc ứng dụng công nghệ chuồng trại hiện đại, quản lý dinh dưỡng khoa học, hệ thống vắt sữa tự động và xử lý chất thải tuần hoàn, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bảo vệ môi trường.
Việc áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất đã mang lại những kết quả ấn tượng. Theo đó, toàn tỉnh hiện có 3.891,83ha cây trồng được lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước (tưới nhỏ giọt, tưới phun), chủ yếu cho cây ăn quả và rau màu, giúp tiết kiệm nguồn nước và nâng cao hiệu quả canh tác.
Với 115,5 ha cây trồng được sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, nhà kính giúp đảm bảo năng suất, kiểm soát sâu bệnh và giảm thiểu tác động của thời tiết bất lợi.
Sơn La hiện có tới 8.534,64ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn tương đương, trong đó cây ăn quả chiếm tỷ trọng lớn, khẳng định cam kết của Sơn La về chất lượng sản phẩm.
Toàn tỉnh hiện có 216 mã số vùng trồng đang được duy trì với tổng diện tích hơn 3.090ha, phục vụ xuất khẩu nông sản sang các thị trường khó tính như Trung Quốc, Mỹ, EU, Úc, New Zealand. Cùng với đó, 8 mã số cơ sở đóng gói được cấp và duy trì, đảm bảo điều kiện kỹ thuật sơ chế, đóng gói sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế.
Cà phê Sơn La tiếp tục là niềm tự hào của tỉnh khi có tới 23.448 ha đạt chứng nhận bền vững (4C, RA), với sản lượng cà phê được cấp chứng nhận đạt trên 28.000 tấn/năm, minh chứng cho sự phát triển nông nghiệp gắn liền với trách nhiệm xã hội và môi trường.

Công ty giống cây trồng Sơn La trồng giống nho Hạ Đen nhập khẩu cho năng suất cao. Ảnh: An Thành Đạt
Liên kết sản xuất và chuyển giao công nghệ
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thành công của nông nghiệp công nghệ cao tại Sơn La là sự đẩy mạnh liên kết sản xuất giữa nông dân - hợp tác xã - doanh nghiệp.
Tỉnh đã phát triển vùng nguyên liệu liên kết với các doanh nghiệp lớn như Công ty Doveco Sơn La (gần 20.000 ha), IC Food và một số doanh nghiệp chế biến, sơ chế khác.
Điều này không chỉ giúp tiêu thụ ổn định nông sản mà còn nâng cao tỷ lệ nông sản được chế biến và xuất khẩu. Trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng xoài, dứa, chanh leo, ngô ngọt, rau củ các loại đưa vào chế biến đã đạt trên 12.000 tấn.
Đặc biệt, Sơn La đang tích cực triển khai chương trình hỗ trợ chuyển giao công nghệ tiên tiến từ Israel. Bước đầu, hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại đã được áp dụng cho cây mận tại Lóng Phiêng và Phiêng Khoài (huyện Yên Châu cũ), hứa hẹn mang lại những hiệu quả vượt trội trong việc tối ưu hóa lượng nước và dinh dưỡng cho cây trồng.
Để tiếp tục phát huy những thành tựu này, trong thời gian tới, tỉnh Sơn La sẽ tập trung vào các giải pháp chiến lược như nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ quản lý, kỹ sư nông nghiệp và nông dân để làm chủ các công nghệ tiên tiến.
Tỉnh cũng chú trọng đến việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu ứng dụng công nghệ để đảm bảo hệ thống nghiên cứu, phòng thí nghiệm và các điều kiện cần thiết để triển khai các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, Sơn La cũng khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động phổ biến, chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; phòng trừ dịch bệnh hại; và thực hiện bảo quản, chế biến các sản phẩm nông nghiệp.