Đừng chịu đựng 10 năm vì con rồi mới ‘ly hôn tao nhã’

19/09/2019 - 22:36
Câu chuyện người vợ chờ 10 năm để con thi đại học xong mới… ly hôn tao nhã đang gây sốt cộng đồng mạng với sự tán thưởng của rất nhiều chị em. Tuy nhiên, cũng có nhiều người phản đối cách chịu đựng để rồi đánh mất thanh xuân và làm khổ chính con mình.

Câu chuyện “Ly hôn tao nhã” được dịch từ báo chí Trung Quốc đang gây sốt cộng đồng mạng Việt Nam kể lại hình ảnh hai vợ chồng bước ra khỏi tòa án, anh chồng thì khóc, cô vợ thì cười. Nụ cười của chị được lý giải của việc thành công trong việc ủ mưu trên mọi mặt trận từ cách sống, giao tiếp lạnh lùng, thờ ơ trong ứng xử với chồng và sự chuẩn bị ly hôn về tài chính...  từ 10 năm trước. Chị đã nguội lạnh tình yêu với người chồng vô tâm, vô trách nhiệm đã 1 thập kỷ nhưng vẫn sống chung và nguyên nhân được đưa ra là chờ con đi đại học xong mới ly hôn. 

Từ một câu chuyện kiểu dạng ngôn tình, trên mạng diễn ra cuộc tranh cãi về 10 năm "ủ mưu" của người vợ. Nhiều ý kiến khen ngợi 10 năm mai phục đáng giá nhưng cũng có lời chua xót cho thanh xuân của một người phụ nữ. 

 

dao.jpg
Nhà văn Nguyễn Anh Đào 
 

Nhà văn Nguyễn Anh Đào (Đắk Lắk), tác giả của nhiều đầu sách như Thà cứ một mình rồi quen, Chỉ cần em biết khóc, Giếng hoang, Tiếng đàn khuyết… và cũng là một người trải qua đổ vỡ hôn nhân, nói về bài viết Ly hôn tao nhã: “Khi bạn đang sống trong cuộc hôn nhân hạnh phúc hoặc có vài vấn đề nhỏ, bạn sẽ thấy đó là bài viết vô cùng hay. 

Nhưng bạn không biết đâu, đứa con sống suốt 10 năm trong một gia đình mà cha mẹ không có tình yêu, nó hoàn toàn cảm nhận được điều thiếu vắng đó. 

Bạn mình, cũng đợi con đủ trưởng thành để nói thật với con rằng ba mẹ đã ly hôn rồi, chỉ là giả vờ sống chung một nhà với con để chờ con lớn, nó chỉ thở hắt ra và nói "Con biết lâu rồi, phải chi ba mẹ nói với con từ ngày mới ly hôn, thì chẳng phải cả ba lẫn mẹ đều không phí hoài suốt cả chục năm của mình để đóng kịch trước mặt con hay không?". 

Vợ chồng, không còn tình yêu, bạn không bao giờ đóng kịch được trước mặt con trẻ, không khí trong nhà vô cùng ngột ngạt, sau đó sẽ lạnh lẽo đến nhường nào. Một đứa trẻ 6 tuổi như An nhà mình, nó từng có dấu hiệu trầm cảm khi liên tục nhìn thấy ba mẹ cãi nhau (dù ba mẹ đã rất cố gắng chờ con ngủ mới dám ra ngoài ngồi nói chuyện với nhau). 

Mình không tin được một đứa sống trong lạnh lẽo thế đến ngày thi đại học mà tâm lý vẫn bình thường, trừ khi nó là một đứa sống quá vô tâm, mà như thế, thì sự cố gắng 10 năm ấy chẳng phải là vô ích hay sao? 

Chúng ta cứ thành thật với nhau, trách nhiệm với nhau. Với cuộc đời rất dài, nếu không có sự thành thật và trách nhiệm, sẽ chẳng bước đi cùng nhau dài lâu được đâu, dù đó là quan hệ vợ chồng hay quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Cuộc đời là một dòng chảy mà ai cũng phải trôi theo cách của mình, thì chẳng ai có thể sắp đặt một cách trơn tru như thế mà không làm tổn thương nhau. 

Mỗi người ngoài trách nhiệm, cũng hãy cho mình cái quyền bước ra khỏi cuộc hôn nhân đó nếu mình thấy rằng đó không còn là chỗ của mình nữa”.

 

thu-ha1.jpg
Tác giả Thu Hà  
 

Chị Thu Hà, tác giả của cuốn sách nổi tiếng Buông tay để con baycũng phản đối chuyện “ủ mưu” 10 năm với lý do là vì con. Theo chị, không thể nói là vì con khi để con 10 năm đi về, ăn ngủ trong ngôi nhà chết vắng tình yêu: ”Bởi người ta nói không thể giấu bệnh ho và giấu tình yêu. Mình xin bổ sung là sự coi thường và thù hận cũng thế, không thể giấu. 

10 năm ba mẹ lạnh lẽo, đóng kịch với nhau, lẽ nào con không biết? 

Trẻ con nó tinh lắm. Không phải mẹ cứ nói: "Không có gì đâu” là con tin không có gì. 

Trẻ con học về cuộc đời không nhờ các luận thuyết, không qua sách vở hay trường học. 

Trẻ con học qua cách nhìn ba và mẹ ứng xử với nhau mỗi ngày. Thế mới nói, bài học quý nhất ba/mẹ có thể giáo dục sớm cho con là yêu thương mẹ/ba của con. 

Con sẽ học gì với bài học 10 năm liền nhìn 2 người ruột thịt không thương yêu, không tình nghĩa với nhau. Làm sao con có thể hạnh phúc bên bà mẹ 10 năm cam chịu bất hạnh?

10 năm ủ mưu, mình thấy không hề tao nhã, chỉ thấy 10 năm mẹ đau khổ và 10 năm con bị bạo hành tinh thần”.

Cũng theo chị Thu Hà, phụ nữ đừng hy sinh mình nhiều quá, đừng hy sinh bản thân để níu kéo người chồng hết yêu mình, cũng đừng hy sinh thanh xuân để nuôi sự hận thù, đừng hy sinh thanh xuân để ủ mưu, đừng hy sinh lòng khoan dung và trái tim trong trẻo của con. “Con cần hít thở bầu không khí lành mạnh. Con cần được nhìn thấy mẹ sống trung thực trong nhà mình. 

Ai cũng chỉ sống có một lần, và ai cũng xứng đáng được Hạnh phúc. Đôi khi hãy ly hôn vì con”.

 

han-bang-vu.jpg
Nhà văn - dịch giả Hàn Băng Vũ
 

Nhà văn - dịch giả Hàn Băng Vũ, tác giả cuốn sách Đừng sợ, có mẹ đây! cũng cho rằng: “Nếu đã quyết định ly hôn thì ly hôn luôn đi, sao phải chờ tới tận 10 năm?

Nếu đã coi hôn nhân là địa ngục hay là nấm mồ nguội lạnh, tại sao không chấm dứt đi? Nếu đã coi người đàn ông đó là một người xa lạ chứ không phải là chồng, thì trong suốt 10 năm, ăn cùng mâm thế nào, ngủ cùng giường ra sao, xuất hiện cùng nhau như thế nào? Giả vờ đóng vai trò người vợ tốt khi tình và nghĩa đều đã cạn có đủ để khiến bản thân mình bị đầy đọa héo mòn không?

Vì con? Chẳng lẽ đứa con trong suốt 10 năm liền không nhìn thấy sự bất thường trong gia đình của nó để cứ ngu ngốc mà hạnh phúc vì vẫn có đủ cha lẫn mẹ? Kể cả đứa thiểu năng cũng nhận ra. Vì sao?

Bởi vì gia đình có nghĩa là san sẻ, là chăm sóc, là có cãi vã, có yêu thương. Hai người cứ sống bên cạnh nhau lừ lừ như hai cái bóng, buông ra với nhau những câu cạn tàu ráo máng, tính toán chi li sòng phẳng đến từng đồng mà lại nói là vì con?

Nếu cảm thấy người chồng quá tệ bạc, bị tổn thương quá lớn hay anh ta đã quá sai lầm thì dứt khoát buông bỏ, buông tha cho người ta và buông tha cho chính mình. 

Dù là đàn ông hay phụ nữ, chẳng ai tự nhiên sinh ra đã là người chồng người vợ tốt. Không phải cứ cưới xong nghĩa là đã hiểu thế nào là trách nhiệm. Người ta vô tâm chưa chắc đã là bởi vì người ta tệ bạc. Nếu đã lựa chọn kết hôn cùng nhau, đã lựa chọn cùng nhau đi cuối con đường thì phải cố gắng mà vun vén, thậm chí người kia đi lạc thì phải cố gắng mà kéo về. Bản thân không nỗ lực, không khéo léo, không bao dung, không giải thích cho người chồng hiểu lại đi nhỏ nhen tính toán để mười năm sau mới trả thù.

Bước ra khỏi tòa án, chị cười. Nhưng chị đã lãng phí 10 năm cuộc đời và lãng phí cả một cuộc hôn nhân, lãng phí hạnh phúc tuổi thơ của đứa con chị”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm