Đừng coi thường dị ứng gia vị

An Khê
25/11/2024 - 21:20
Đừng coi thường dị ứng gia vị

Ảnh minh họa

Dị ứng gia vị chỉ xuất hiện ở khoảng 2% người trưởng thành. Tuy nhiên, các triệu chứng dị ứng gia vị có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng.

Bác sĩ Đoàn Thu Hồng (Viện Y học ứng dụng Việt Nam) cho biết, trong một số trường hợp, phản ứng dị ứng toàn thân có khả năng gây tử vong, được gọi là "phản vệ". 

Các triệu chứng của phản vệ thường nghiêm trọng và có thể bao gồm khò khè và khó thở. Cảm giác bị bóp nghẹt ở ngực; nổi mề đay; sưng mặt, lưỡi, cổ họng, tay hoặc chân (phù mạch); buồn nôn và nôn, tiêu chảy; nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim yếu; lú lẫn, chóng mặt hoặc ngất xỉu và có cảm giác như sắp chết. 

"Sốc phản vệ được coi là trường hợp cấp cứu cần được hỗ trợ y tế ngay lập tức. Ngay cả khi các triệu chứng có vẻ tự thuyên giảm, chúng có thể tái phát sau nhiều giờ - ngay cả khi bạn chưa tiếp xúc với gia vị lần thứ hai. Nếu không được điều trị, phản vệ có thể tiến triển nhanh chóng, dẫn đến bất tỉnh, sốc, suy tim hoặc suy hô hấp, tử vong", bác sĩ Đoàn Thu Hồng cho biết.

Một số gia vị hay gây dị ứng bao gồm capsaicin có trong ớt, quế, tỏi, hạt tiêu đen và vani. Các triệu chứng dị ứng gia vị có thể từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, một số phản ứng sinh lý bình thường cũng hay bị nhầm lẫn với dị ứng gia vị như ăn ớt hoặc wasabi có thể gây chảy nước mắt và nóng rát ở miệng. Phản ứng này không phải do phản ứng dị ứng mà là do các hợp chất hóa học có trong chúng gây ra. Những chất này gây kích ứng niêm mạc mũi và miệng. Điều này có thể bị nhầm là phản ứng dị ứng với một loại gia vị.

Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như bị khó thở hoặc phát ban ở nơi gia vị tiếp xúc với da, đây được gọi là viêm da tiếp xúc. Gia vị hiếm khi được ăn riêng lẻ và các món ăn thường không chỉ bao gồm một loại gia vị mà sẽ bao gồm hỗn hợp nhiều loại gia vị khác nhau. Do đó, có thể khó biết được liệu nguyên nhân gây ra phản ứng dị ứng là một loại gia vị cụ thể hay loại thực phẩm cụ thể.

Việc đun nóng một số loại gia vị có thể trung hòa các chất gây dị ứng, nhưng một số chất gây dị ứng không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ. Ví dụ apig1, chất gây dị ứng chính có trong cần tây và gia vị cần tây, không dễ bị ảnh hưởng bởi nhiệt. Chất gây dị ứng trong hạt mù tạt cũng đã được chứng minh là có khả năng chịu nhiệt.

Vậy làm thế nào để biết khi nào thì dị ứng gia vị? Theo bác sĩ Đoàn Thu Hồng, khi người bệnh đến bệnh viện, bác sĩ có thể cho làm xét nghiệm để khẳng định dị ứng. Có một số xét nghiệm dị ứng bằng xét nghiệm máu. Tuy nhiên, nhiều loại gia vị có khả năng gây dị ứng không thể tìm ra bằng cách xét nghiệm máu. Do đó, trải nghiệm và theo dõi của cá nhân người bệnh với các tác nhân gây dị ứng là cực kỳ quan trọng để đưa ra chẩn đoán dị ứng.

Việc điều trị dị ứng gia vị phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng gặp phải. Đối với dị ứng không biến chứng, uống thuốc có thể giúp giảm triệu chứng. Đối với viêm da tiếp xúc, kem bôi corticosteroid có thể giúp giảm viêm và đỏ. Một số trường hợp nghiêm trọng hơn có thể được bác sĩ kê đơn kết hợp uống thuốc và xịt mũi để giúp giảm nghẹt mũi. Đối với phản ứng sốc phản vệ do dị ứng gia vị có thể được tiêm thuốc làm giãn các cơ trơn đường thở và mạch máu.

Cuối cùng, cách tốt nhất để đối phó với dị ứng gia vị là tránh loại gia vị đó. Tuy nhiên, nhiều loại thực phẩm được nêm sẵn hoặc sử dụng chất tạo hương vị làm từ nhiều loại thảo mộc, gia vị và hóa chất. Các món ăn được chế biến trong nhà hàng có thể bao gồm các loại gia vị không được nêu trong thực đơn. 

Do đó, bác sĩ Đoàn Thu Hồng khuyến cáo, một người bị dị ứng nặng có thể cần tránh tất cả các loại gia vị cho đến khi họ tìm thấy chất gây dị ứng. Người dị ứng nặng có thể mang theo epinephrine hoặc ống tiêm epinephrine đã nạp sẵn để sử dụng trong trường hợp gặp phải phản ứng nghiêm trọng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm