pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tốc độ tăng trưởng của thuốc lá thế hệ mới trong giới trẻ
Ảnh minh họa
Thuốc lá thế hệ mới đang xâm nhập vào trường học, giới trẻ với tốc độ cao, ảnh hưởng đến hành vi, lối sống và sức khỏe của người trẻ.
Lý do có tốc độ tăng trưởng này một phần là bởi người sử dụng đang lầm tưởng thuốc lá điện tử có thể giúp "cai nghiện" thuốc lá truyền thống. Bạn Trần Trung Thanh (17 tuổi, một học sinh tại Hà Nội) cho biết: "Khi hút thuốc lá điện tử không có khói lan tỏa hay có mùi khó chịu như thuốc lá điếu thông thường nên em cho rằng thuốc lá điện tử không độc hại. Trong các thông tin mà em biết thì khói thuốc lá mới gây độc lại, thuốc lá không khói sẽ không gây hại gì cho bản thân và người xung quanh".
Bên cạnh đó, tốc độ gia tăng sử dụng thuốc lá thế hệ mới còn có nguyên nhân từ chính các sản phẩm này. Thuốc lá điện tử có hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm ấn lượng tạo trào lưu và phong cách hướng đến giới trẻ. Đơn vị sản xuất và bán hàng sử dụng mạng xã hội để quảng cáo nên thu hút đông đảo giới trẻ; trưng bày sản phẩm hấp dẫn nhiều mẫu mã đa dạng kèm với quà tặng hấp dẫn; có sẵn trên các nền tảng trực tuyến để tăng khả năng tiếp cận với giới trẻ. Chính vì vậy, thuốc lá điện tử dần được biết đến và sử dụng phổ biến hơn và ngày càng trẻ hóa đối tượng. Thậm chí thuốc lá điện tử còn đang có xu hướng xâm nhập mạnh mẽ vào đối tượng học sinh, một vấn đề đang được báo động hiện nay.
Theo đại diện Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế), thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
Pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.
Tại Việt Nam, thời gian gần đây, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.
Theo báo cáo của WHO, hiện nay đã có ít nhất 42 quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng chính sách cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử, có 7 quốc gia cho phép nhưng áp dụng quy định quản lý chặt chẽ như cấp phép dược phẩm, quy định thuốc lá điện tử dưới dạng sản phẩm cai nghiện nicotine và cần thẩm định cấp giấy phép bao gồm Úc, Chile; Hong Kong, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Malaysia và Venezuela nhưng chưa có sản phẩm thuốc lá nào được cấp phép lưu hành ở 7 quốc gia này vì hiện nay chưa có bất kỳ sản phẩm nào đạt tiêu chuẩn cấp phép lưu hành trên thị trường.
Do đó, về thực tế thì đây cũng tương đương như là chính sách cấm của 34 quốc gia trên. Đặc biệt là Úc, nicotine vẫn nằm trong danh mục "chất độc dược" và chỉ được sử dụng khi có giấy phép. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia.