Đừng dạy đạo đức, lối sống cho học sinh với kiến thức xa rời thực tế

06/11/2017 - 17:42
Ngành giáo dục Hà Nội lại vừa yêu cầu các trường tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống... cho học sinh trong nhà trường, trong bối cảnh bạo lực học đường ngày càng tăng, nhiều vụ gây bàng hoàng, nhức nhối.

Môn Giáo dục Công dân cần tránh dạy hình thức

Một trong những nội dung quan trọng của UBND Hà Nội mới đây về nhiệm vụ năm học 2017 - 2018 là tăng cường công tác giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống. 

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật, tinh thần yêu lao động, yêu thiên nhiên, bảo vệ môi trường… Đây được coi là giải pháp nhằm kiềm chế, kiểm soát và ngăn chặn các tệ nạn xã hội, các hành vi bạo lực học đường đang gia tăng thời gian qua.

Giáo dục lối sống, đạo đức trong trường học không phải lần đầu tiên được đặt ra. Môn Giáo dục công dân (GDCD) trong nhà trường được chú trọng hơn khi học sinh lớp 10 được học phần lớn thời gian môn học GDCD với nội dung về đạo đức. Lớp 12 dành toàn bộ thời lượng môn học cho nội dung pháp luật.

bao-luc.jpgBạo lực học đường gia tăng với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Ảnh cắt từ clip 

Cô Nguyễn Thị Hồng Hoa – giáo viên GDCD trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội) - chia sẻ, kiến thức lớp 10 và lớp 12 khá quan trọng và cần thiết. Riêng lớp 11, vẫn nhiều nội dung hàn lâm như về kinh tế chính trị, triết học… nên không thật sự cần thiết.

“Vấn đề không phải là bao nhiêu tiết một tuần mà là giáo viên có những đổi mới nào để tránh dạy học hình thức, kém chất lượng như nhiều năm qua. Bản thân tôi cho rằng giáo viên bộ môn này đã chịu khó thay đổi phương pháp, để môn học trở nên hiệu quả hơn”- cô Hoa cho hay.

Nữ giáo viên lấy ví dụ, ngoài giờ học chính, học sinh còn sử dụng tiết chào cờ để lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, kỹ năng sống bằng các vở kịch đưa ra nhiều tình huống khác nhau. Với nội dung về luật pháp, giờ học cũng luôn sôi nổi nhờ việc thảo luận để xử lý các tình huống, thông qua đó hiểu hơn về các bộ luật, luật.

Theo cô Hồng Hoa, việc làm cho môn học hiệu quả hay không, phụ thuộc nhiều ở giáo viên. Với môn GDCD, người dạy phải vận dụng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn cũng như thường xuyên cập nhật văn bản mới chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào sách giáo khoa.

“Vì chỉ có một tiết học mỗi tuần nên thầy cô phải vận dụng hiệu quả nhất có thể về mặt thời gian. Riêng nội dung về đạo đức, luật pháp, tôi cho rằng rất quan trọng, mang tính nền tảng nên cần được đầu tư hơn về chất lượng giờ dạy” – cô Hồng Hoa nói.

Đừng chỉ trông chờ vào nhà trường

Gắn bó và tâm huyết với bộ môn, đồng thời là giáo viên có uy tín đối với môn GDCD, song bản thân cô Hoa cũng thừa nhận rằng, một tiết học đạo đức ở lớp không thể nói lên được gì nhiều. Việc hình thành nhân cách, đạo đức của học trò - còn phụ thuộc rất lớn từ phía cha mẹ các em.

“Giáo dục đạo đức lối sống là nền tảng, là quan trọng nhưng không chỉ phụ thuộc vào một tiết học ở trường, còn là tác động của gia đình. Cha mẹ mà không có đạo đức, không hiểu biết pháp luật thì nhà trường có dạy cách gì cũng khó có thể bồi đắp được đạo đức cho học sinh!”- nữ giáo viên khẳng định.

Về điều này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, không nên bó buộc vấn đề này trong một môn học. Chỉ nên xem đây là một cách tiếp cận mở đối với người học.

“Nhân cách không chỉ được hình thành bởi những điều nghe và nói mà phải hình thành từ nỗ lực hành động của mỗi người. Bởi vậy, nếu quan niệm môn đạo đức, giáo dục công dân là môn giúp học sinh hình thành nhân cách thì phải xem đây là môn học mở chứ không thể vạch ra một chương trình cứng như hiện nay”- ông nói.

Theo ông, chương trình cần phải thay đổi để đơn giản hơn, thực tế hơn, gần gũi với nhận thức của học sinh. Việc cung cấp kiến thức cần gắn với nhu cầu xã hội hiện đại cần những kỹ năng gì, năng lực gì để lớp trẻ có thể hòa nhập và hoàn thiện mình thì trong nhà trường, thay vì dạy những kiến thức quá trừu tượng, xa rời thực tế đời sống.

“Thế hệ trẻ bây giờ cần học cách chào hỏi, ăn mặc, ứng xử trong những tình huống khác nhau, cách vượt qua khó khăn, hòa nhập, chia sẻ với cộng đồng, cần biết các quy định pháp luật, những vấn đề đang diễn ra trong xã hội...” - ông nhấn mạnh.

Cách tốt nhất để hướng đến giáo dục đạo đức cho học sinh là làm thế nào để học sinh không nghĩ mình đang học, mà nghĩ mình đang làm, đang hành động, đang trải nghiệm, đang tìm kiếm điều gì đó có ích cho mình. Đó là cách để môn học trở nên thu hút.

Tuy nhiên, ông cho rằng, ngoài việc thiết kế môn học mềm mại, mang tính mở để giáo viên thỏa sức sáng tạo, linh hoạt, cũng cần đầu tư hơn với giáo viên bộ môn GDCD, không nên coi thầy cô dạy môn này chỉ là giáo viên phụ, thậm chí có thực tế là giáo viên dạy môn này đang được điều chuyển từ những giáo viên nhàn rỗi hoặc kiêm nhiệm... Trân trọng giáo viên dạy môn này cũng chính là trân trọng giáo dục giá trị sống, đạo đức sống cho học sinh.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm