pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đừng để im lặng trở thành "bức tường" ngăn cách tình thân

Ảnh minh họa
Sự im lặng ấy, nếu kéo dài, có thể trở thành "bức tường" ngăn cách tình thân và làm lỏng lẻo sự gắn kết trong gia đình.
Trong nhiều cuộc trò chuyện với các cặp đôi hay cha mẹ-con cái đang gặp khủng hoảng, điều khiến tôi day dứt nhất không phải là những lần cãi vã, mà là khi họ nói: "Chúng tôi không còn nói chuyện với nhau nữa" hoặc "Ở nhà mà thấy lạc lõng như người ngoài".
Im lặng đôi khi cần thiết để nguôi giận, để suy ngẫm. Nhưng nếu im lặng trở thành thói quen, nó sẽ giết chết cảm xúc, khiến người trong cuộc dần cảm thấy cô đơn trong chính gia đình của mình.
Đáng tiếc là trong nhiều gia đình, khi mâu thuẫn nảy sinh, thay vì đối thoại để giải quyết, người ta lại chọn cách im lặng. Và cứ thế, khoảng cách cứ lớn dần.
Đừng đợi đến khi người bạn đời hay đứa con của mình "im lặng một cách bất thường", bạn mới bắt đầu để ý. Mỗi người trong gia đình đều có một thế giới riêng, với áp lực, với tổn thương, với những điều khó nói.
Họ không cần một ai đó hoàn hảo, mà cần một người biết lắng nghe mà không phán xét. Lắng nghe là bước đầu tiên để hiểu. Hiểu rồi mới có thể thương.
Những ông bố, bà mẹ có thể giỏi giang ngoài xã hội nhưng khi về nhà, họ vẫn cần được động viên, được cảm thông. Đôi khi, một lời hỏi han: "Hôm nay mệt không?", "Em cần anh giúp gì không?"… lại có sức mạnh chữa lành hơn bất kỳ món quà nào. Bởi chính sự chia sẻ ấy khiến người ta cảm thấy được quan tâm, được trân trọng.
Gia đình lý tưởng không phải là nơi không có mâu thuẫn, mà là nơi các thành viên có thể cùng nhau vượt qua. Khi một người im lặng, hãy là người chủ động mở lời. Khi một người đang bị tổn thương, hãy dang tay với họ.
Bởi chính trong những lần như thế, mối quan hệ sẽ trưởng thành, tình cảm sẽ sâu sắc hơn. Gia đình không cần quá nhiều lời nói hoa mỹ nhưng tuyệt đối đừng thiếu những lời sẻ chia, chân thành: "Anh cảm ơn em!"; "Ba xin lỗi vì hôm qua đã nóng giận!"; "Con đừng lo, bố mẹ luôn ở bên con!"… Những câu nói ấy chính là "sợi chỉ" nối những trái tim.
3 cách thiết thực để gia đình không rơi vào im lặng
1. Duy trì khoảng thời gian kết nối mỗi ngày
Hãy dành ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để cả nhà cùng trò chuyện mà không bị gián đoạn bởi điện thoại, tivi hay công việc. Có thể là bữa cơm tối không điện thoại, hay một buổi uống trà sau khi con đã đi ngủ. Trong thời gian này, mỗi người có thể chia sẻ: "Hôm nay mình cảm thấy thế nào?", "Có chuyện gì khiến mình vui buồn, lo lắng?"; "Điều gì hôm nay mình biết ơn hoặc tự hào?". Khi điều này trở thành một thói quen tích cực, sự chia sẻ sẽ tự nhiên xuất hiện và mối quan hệ sẽ được nuôi dưỡng mỗi ngày.
2. Lắng nghe không phán xét
Một lý do khiến nhiều người trong gia đình chọn im lặng là vì họ sợ bị phán xét hoặc phủ nhận cảm xúc. Hãy học cách lắng nghe bằng sự tôn trọng và cảm thông, thay vì vội vàng phản ứng hay đưa lời khuyên. Khi vợ/chồng chia sẻ mệt mỏi, đừng nói "Em cứ làm quá lên!" mà hãy nói: "Anh hiểu, chắc hẳn em đã rất căng thẳng". Khi con bộc lộ nỗi buồn, thay vì "Ba mẹ đã trải qua nhiều chuyện hơn con" thì nên nói: "Con buồn vì điều đó là dễ hiểu. Con muốn ba mẹ giúp gì không?". Khi một người thấy mình được lắng nghe, họ sẽ dần mở lòng và gắn bó hơn.
3. Chủ động chia sẻ cảm xúc một cách chân thành
Hãy tập thói quen bày tỏ yêu thương, biết ơn, thậm chí cả những nỗi buồn nho nhỏ. Ví dụ: "Anh cảm ơn em hôm nay đã chuẩn bị bữa tối ngon!"; "Con làm mẹ bất ngờ vì sự cố gắng hôm nay, mẹ rất vui!"; "Ba thấy mình hơi căng thẳng, ba đi dạo một chút rồi về chơi với con nhé!". Chính những lời chia sẻ giản dị nhưng chân thành này sẽ "giữ lửa" yêu thương và làm tan chảy những khoảng im lặng.