Giải pháp kết nối tình thân khi lấy chồng xa

Tây Anh
09/04/2025 - 14:19
Giải pháp kết nối tình thân khi lấy chồng xa

Ảnh minh họa

Sau bao năm lấy chồng xa, chị Lê Thùy Dung đã có những giải pháp của riêng mình để có thể cân bằng việc bên nội - bên ngoại.

Khi yêu, khoảng cách địa lý dường như không phải là vấn đề lớn đối với chị Dung. "Hồi yêu, mình thấy sự xa cách về địa lý cũng bình thường. Mình còn trẻ, có sức khỏe, nên việc di chuyển qua lại giữa hai nhà không gặp trở ngại gì", chị chia sẻ. 

Tuy nhiên, sau khi kết hôn, chị nhận ra những gì bản thân đã nghĩ không đơn giản như vậy. Mẹ chị từng nói: "Lấy chồng xa vất vả lắm con à. Sau này có con nhỏ, đi lại càng vất vả hơn." Thời điểm ấy, chị chỉ xem đó là lời khuyên nhẹ nhàng. 

Nhưng lập gia đình rồi, nhất là khi có con, chị mới thật sự cảm nhận được những khó khăn mà mẹ chị đã cảnh báo.

Nhà chị Dung và nhà chồng cách nhau gần hai trăm cây số. Chị cho biết: "Bố mẹ hai bên rất hiền và dễ tính, nhưng việc đi lại, dù ít hay nhiều, vẫn là một thử thách. Có con nhỏ nữa, mỗi chuyến đi đều là hành trình mệt mỏi". 

Mỗi năm, chị chỉ có thể về thăm nhà ngoại vài ba lần. Thời điểm hai con của chị lần lượt tới tuổi đến trường, số lần về thăm nhà ngoại càng ít hơn. "Mình không hối hận gì cả, chỉ là lấy chồng xa rồi mới thấy lời mẹ nói ngày trước thật sự thấm thía", chị Dung tâm sự.

Dù khoảng cách địa lý xa xôi nhưng chị Dung vẫn cố gắng sắp xếp để có thể duy trì sự kết nối với nhà ngoại:

- Lên kế hoạch về thăm nhà hợp lý: Trước khi có con, chị Dung có thể linh hoạt trong việc sắp xếp thời gian. Có con rồi, nhất là thời điểm con bắt đầu đi học, chị chủ động lên kế hoạch từ trước. 

Mỗi chuyến về thăm nhà ngoại thường được kết hợp với các kỳ nghỉ lễ, giúp vợ chồng chị và hai con có thể dành thời gian cho gia đình bên ngoại mà không ảnh hưởng đến lịch công việc hay học tập của các con.

- Lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp: Với khoảng cách khá xa, mỗi chuyến đi đều là hành trình dài. Chị Dung ưu tiên những phương tiện tiện lợi, thoải mái nhất có thể để tránh mệt mỏi cho cả gia đình, nhất là hai con nhỏ. 

Chị thường lựa chọn sử dụng các chuyến xe khách chất lượng cao, dịch vụ xe ghép để tiết kiệm thời gian, giúp chuyến đi dễ chịu hơn mà chi phí không quá cao.

- Sử dụng công nghệ để kết nối: Không thể về thăm bố mẹ, người thân thường xuyên, nhưng chị Dung tận dụng công nghệ để duy trì sự kết nối. Mỗi ngày, chị đều gọi video cho bố mẹ, cập nhật tình hình của gia đình và họ hàng ở quê nhà. 

Điều này giúp chị bớt cảm giác nhớ nhà, đồng thời cũng yên tâm hơn khi thấy bố mẹ đều khỏe. Bên cạnh đó, chị lắp đặt camera tại nhà bố mẹ để có thể quan sát họ từ xa. Những hình ảnh quen thuộc từ ngôi nhà, góc sân, khoảng vườn hay những sinh hoạt thường ngày của gia đình giúp chị cảm thấy gần gũi hơn dù ở xa.

- Cùng chia sẻ trách nhiệm: Việc cân bằng sự quan tâm, chăm sóc dành cho hai bên gia đình nội, ngoại có sự thấu hiểu, sẻ chia từ chồng chị Dung. 

Cả hai luôn cùng thảo luận, lên kế hoạch để thống nhất thời gian và cách thức di chuyển. Sự sẻ chia từ chồng giúp chị Dung thấy ấm lòng hơn khi lấy chồng xa.

Dù xa cách về địa lý nhưng tình thân vẫn có thể duy trì một cách bền chặt, khi có sự chủ động, chia sẻ từ mỗi thành viên trong gia đình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm