Em Lê Thị Hải Vân là sinh viên trường Đại học Điện Lực (Hà Nội). Vân có 1 người anh trai và 1 em trai. Là con gái duy nhất trong gia đình, Vân cho biết từ nhỏ đến giờ em nhận được rất nhiều lời dạy dỗ, bảo ban, khuyên nhủ từ bố mẹ liên quan đến vấn đề “con trai, con gái” theo truyền thống.
Khi thấy Vân nghịch ngợm, năng động, bố mẹ thường hay phàn nàn: “Con gái phải nữ tính chứ! Con cứ thế này, sau này ai dám lấy!”. “Con gái thì phải đảm đang, dịu hiền, tháo vát, nữ công gia chánh”. “Bố mẹ muốn con sau này phải tìm được tấm chồng có công việc đàng hoàng, ổn định để chồng là trụ cột”. Vân cũng thấy bố mẹ thường dạy anh, em trai mình rằng “Là con trai thì phải làm việc lớn, có trách nhiệm gánh vác gia đình”.
Khi Vân nhập học vào trường Đại học Điện lực, nhiều “người lớn” trong gia đình, dòng họ đều thốt lên “Con gái sao lại chọn học cái trường ấy, ngành ấy? Nó chuyên dành cho con trai chứ!”… Điều này khiến Vân cảm thấy mình như bị đối xử bất công và cô đã phải luôn giải thích rất nhiều rằng "Không có sự phân biệt trai gái gì ở việc chọn ngành nghề, chỉ đơn giản là bản thân thấy phù hợp thì chọn học thôi".
|
Với bạn trẻ Vũ Đức Huy - sinh viên trường Đại học Bách Khoa (Hà Nội) thì dù xã hội đã được coi là ngày càng hiện đại lắm rồi nhưng trong gia đình em, tư tưởng “trọng nam” vẫn còn đậm nét!
Huy sinh ra trong gia đình có 3 người con, trong đó Huy là con út và cũng là con trai duy nhất. Theo cách nghĩ của người lớn trong nhà thì em vẫn đang được coi là người quan trọng - “người nối dõi” trong gia đình. |
Điều này thể hiện ở việc ngay từ nhỏ, Huy đã luôn được bố mẹ “ưu ái” hơn nhiều so với hai người chị gái. Em ít phải làm các việc vặt trong nhà. Em được bố mẹ đầu tư học hành đến nơi đến chốn. Vì kinh tế gia đình khó khăn, 2 chị gái chỉ được học hết cấp 3 rồi phải nghỉ để nhường việc học cho Huy. Bố mẹ cũng kỳ vọng ở em nhiều và luôn dạy em theo quan niệm về những người “đàn ông truyền thống” rằng: “Là con trai thì phải mạnh mẽ, phải làm các việc của con trai, có công danh, sự nghiệp, lo việc lớn”…
Theo nhà hoạt động xã hội Cao Thị Hồ Thuỷ: “Năm 2013, khi tôi tham gia vào cuộc khảo sát trực tuyến nhằm tìm hiểu quan niệm của thanh niên Việt Nam về nam tính, nữ tính kết quả cho thấy hiện nay, những khuôn mẫu, định kiến giới đã và đang còn ăn sâu kể cả trong người trẻ và rất trẻ. Cứ tưởng họ rất là thoáng, được tiếp cận với những thông tin mới nhưng thực ra vẫn còn rất bảo thủ và giữ định kiến của mình về giới là rất lớn. Nguyên nhân tình trạng này, phần nhiều do giáo dục và gia đình tạo nên. Chẳng hạn, ông bà, cha mẹ thường dạy con gái phải khéo léo, an phận, nhẫn nhịn, chịu khó, phải dịu dàng, phụ nữ phải là người nuôi con. Con trai thì phải nam tính, mạnh mẽ, quyết đoán… Hoặc khi trẻ em trai nói “Con thích mặc mầu hồng”, người lớn đã thường nói “Không được mặc màu hồng, vì màu hồng là của con gái” trong khi đó màu sắc rất là trung tính. Khi con gái chọn đồ chơi là ô tô hay máy bay… thì sẽ bị phản đối “Phải chơi búp bê chứ!”… Theo một cách tự nhiên, người lớn đã định hướng như vậy và chúng dần dần trở thành những khuôn mẫu về giới trong suy nghĩ, cách hành xử sau này của con cái”. |
Mới đây, Quỹ châu Á, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường và Trung tâm Nghiên cứu Giới, gia đình và môi trường trong phát triển đã tiến hành khảo sát trực tuyến nhằm tìm hiểu quan niệm của thanh niên Việt Nam về nam tính, nữ tính.
Những người trẻ trng một cuộc đối thoại trẻ về “Xoá bỏ khuôn mẫu giới quanh ta”. |
Hơn 2000 thanh niên từ 15-30 tuổi đã tham gia chia sẻ quan điểm của họ về những chuẩn mực giới, vai trò giới và vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam hiện nay và cho thấy đại đa số vẫn còn bị lưu giữ những “chiếc hộp” về giới với sự “ủng hộ” và “cố gắng” tuân theo những chuẩn mực giới truyền thống.
Cụ thể: 80% tin rằng khóc là các biểu hiện cảm xúc của nữ. 75% cho rằng đàn ông càng nam tính thì càng dễ giành được cảm tình của mọi người. Đặc biệt, có tới 70% tin rằng an phận là đặc điểm của nữ, 70% tin rằng nội trợ là việc phù hợp với phụ nữ, 80% tin rằng sử dụng vũ lực là cách biểu hiện cảm xúc của nam…
Theo bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện của Cơ quan Liên Hiệp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam: “Khuôn mẫu giới chính là một trong những gốc rễ của sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới và là nguyên nhân khiến bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới. Nó vẫn còn tiếp diễn và đang phổ biến trên khắp thế giới. Hiện tại, UN Women tại Việt Nam đang cùng nỗ lực hợp tác để tìm cách xoá bỏ được những khuôn mẫu này trong cuộc sống hàng ngày!”. |