pnvnonline@phunuvietnam.vn
Dùng giao tiếp hóa giải mâu thuẫn gia đình

Ảnh minh họa
Tổn thương trong quá khứ chưa được chữa lành
Một người chồng khó kiểm soát cảm xúc có thể từng lớn lên trong môi trường bạo lực, hà khắc, nơi mọi sai lầm đều bị quát mắng. Anh ta học được cách thể hiện cảm xúc bằng sự tức giận, thay vì học cách nói ra nỗi buồn.
Một người vợ thường xuyên tủi thân và giận hờn có thể đã lớn lên trong cảm giác thiếu thốn tình cảm, luôn phải cố gắng để được cha mẹ chú ý. Khi không được chồng quan tâm đúng lúc, nỗi bất an cũ trỗi dậy, khiến cô ấy phản ứng mạnh hơn thực tế.
Một đứa trẻ hay gắt gỏng, chống đối, có thể đang phải chịu áp lực vô hình từ sự kỳ vọng quá mức của cha mẹ, hoặc cảm thấy mình không được lắng nghe, thấu hiểu.
Những vết thương từ quá khứ không được xoa dịu vẫn tiếp tục sống trong chúng ta và dễ dàng bị kích hoạt khi có tác nhân quen thuộc. Trong gia đình, nơi chúng ta thấy an toàn nhất, cũng là nơi những phần "chưa lành" bộc lộ rõ nhất.
Đừng phán xét, hãy lắng nghe, yêu thương
Một trong những nguyên nhân khiến mâu thuẫn gia đình kéo dài là do chúng ta thường nhìn vào hành vi mà quên đi cảm xúc và nhu cầu. Chuyên gia trị liệu gia đình Virginia Satir, người được mệnh danh là "mẹ đẻ của liệu pháp gia đình", là người tiên phong trong việc xây dựng mô hình trị liệu tập trung vào giao tiếp trong gia đình và sự phát triển cá nhân.
Bà từng nói: "Hành vi con người giống như tảng băng trôi - phần chúng ta nhìn thấy chỉ là 1/10, còn 9 phần chìm dưới mặt nước là cảm xúc, niềm tin, tổn thương và nhu cầu chưa được đáp ứng".
Do đó, thay vì phản ứng bằng sự giận dữ, thất vọng hay im lặng rút lui, hãy thử dừng lại để hỏi nhau những câu hỏi chân thành: "Anh giận vì điều gì vậy? Có phải anh đang mệt mỏi hay lo lắng điều gì mà em chưa biết?"; "Con cáu giận vì mẹ nhắc bài?
Hay vì con cảm thấy mẹ không tin con làm được?"; "Bố vừa lớn tiếng với con, có phải vì bố đang buồn chuyện công việc mà chưa kịp giải toả?"… Những câu hỏi ấy không chỉ mở ra đối thoại mà còn giúp ta chạm vào nhau bằng sự thấu cảm - điều cốt lõi để chữa lành tổn thương.
Chữa lành không đến từ sự im lặng, mà từ sự thấu hiểu và chia sẻ. Gia đình không phải là nơi hoàn hảo, mà là nơi cho phép mỗi người được sai, được sửa và được hoàn thiện. Điều này chỉ có thể xảy ra khi các thành viên học cách nhìn người thân với con mắt bao dung, nhận ra rằng hành vi tiêu cực đôi khi chỉ là một tín hiệu kêu cứu.
Mỗi khi bức xúc, thay vì chỉ trích, hãy tự hỏi: "Cảm xúc của mình đang phản ánh điều gì chưa ổn trong chính mình?". Trong gia đình, hãy luôn tạo không gian an toàn để chia sẻ như một bữa cơm không phán xét, một buổi tối chỉ để trò chuyện nhẹ nhàng, hay đơn giản là cái ôm sau một ngày dài.
Gia đình sẽ là nơi chữa lành hay nơi tiếp nối tổn thương?
Câu trả lời nằm ở cách chúng ta lựa chọn phản ứng trước những hành vi tiêu cực. Khi ta chọn hiểu thay vì phán xét, chọn lắng nghe thay vì áp đặt, chọn tha thứ thay vì chối bỏ, thì những tổn thương sẽ có cơ hội được chữa lành.
Bởi đằng sau mỗi hành vi là một câu chuyện chưa kể, chỉ cần một người đủ lắng nghe, đủ kiên nhẫn, gia đình sẽ trở thành nơi nuôi dưỡng sự an yên - không chỉ cho một người, mà cho tất cả các thành viên.