Mới đây, một nữ bệnh nhân ở Ninh Thuận khi đi làm đẹp bằng phương pháp “hỏa trị liệu” đã bị bỏng mặt khiến dư luận xôn xao. Theo quảng cáo, phương pháp này do ngự y cung đình thời cổ đại căn cứ trên cơ sở của y học truyền thống Trung Quốc, có tác dụng trị bệnh và làm đẹp. Vì tin theo quảng cáo trên mạng, nhiều người đã trị liệu hoặc làm đẹp bằng hỏa trị liệu.
Lương y Lê Xuân Hải, Chủ tịch Hội Đông y quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, hỏa liệu là vẩy cồn, châm lửa, tăng nhiệt độ lên khăn ẩm. Mục đích của nó là mở lỗ chân lông, lưu thông khí huyết (kinh lạc). Sau đó, bôi tinh dầu lên con rồng lửa, xuyên qua sự hô hấp của da chạy thẳng đến các vị trí của ổ bệnh ở trong cơ, xương, máu và có hiệu quả nhanh chóng đối với các bệnh phong, hàn, thấp, nhiệt, độc đến đau nhức, tê, phù, trướng. Mục đích đạt đến là có bệnh trị bệnh, không có bệnh thì tăng cường sức khỏe. Tuy nhiên, hiện phương pháp này chưa được Bộ Y tế cấp phép.
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Khoa (Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam), hỏa trị liệu chỉ hợp với trường hợp hư hàn, co cơ do lạnh, người thể hàn. Bởi phủ khăn đổ cồn lên và đốt như vậy có tác dụng ôn ấm, trừ phong hàn, trợ dương; điều trị bệnh do khí lạnh gây ra như đau lưng, đau vai gáy, viêm xương khớp do hàn. Còn đối với những người có cơ địa nhiệt, thể trạng gầy, đang bị nhiệt nếu sử dụng hỏa trị liệu sẽ phản tác dụng, làm người bệnh khó chịu, rối loạn khí huyết.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, một số spa đã sử dụng phương pháp hỏa trị liệu trong Đông y để giảm béo, làm đẹp. Việc lạm dụng hỏa trị liệu rất nguy hiểm, bởi nhân viên tại spa không có kiến thức về y học cổ truyền, không có kỹ thuật về hỏa trị liệu nên khi thực hiện dễ mắc sai lầm như gây bỏng cho người, đồng thời làm rối loạn khí huyết.
Clip một bệnh nhân dùng hỏa trị liệu
Bác sĩ Khoa cũng cho biết, không phải ai cũng có thể áp dụng hỏa trị liệu. Nhất là với những người mắc bệnh suy thận, ung thư, bệnh tim mạch, thể trạng gầy yếu, cơ thể nóng… dùng hỏa trị liệu sẽ làm sức khỏe suy yếu, rối loạn khí huyết.
Còn theo PGS.TS. Đậu Xuân Cảnh, Giám đốc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, hiện nay, phương pháp hỏa trị liệu vẫn chưa được công nhận trong giới khoa học, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào được công bố đây là cách chữa bệnh, làm đẹp đáng được hoan nghênh.
Cũng theo ông Cảnh, trong Đông y, các lương y hầu như không sử dụng phương pháp hoả trị liệu vì hiệu quả không cao mà thường sử dụng phương pháp mồi ngải để làm giảm phong hàn, vừa hiệu quả cao lại vừa an toàn.