Đừng làm ngơ trước cảm xúc của con ở tuổi học đường

Thùy Dung - Khánh Hà
20/06/2023 - 14:52
Tâm lý học đường tại nước ta đang là vấn đề nhạy cảm và cũng là áp lực lớn đối với phía nhà trường, các nhà chức trách cùng hội phụ huynh học sinh.

Chuyên viên tâm lý học đường Hoàng Diễm - người đã có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục đã chia sẻ về vấn đề này.

Đừng làm ngơ trước cảm xúc của lứa tuổi học đường - Ảnh 1.

Chuyên viên tâm lý học đường Hoàng Diễm

Theo chuyên viên, trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đâu là những vấn đề tâm lý phổ biến mà các bạn học sinh độ tuổi vị thành niên thường gặp phải?

Các bạn học sinh, đặc biệt là cấp 2 và cấp 3 sẽ có rất nhiều những vấn đề tâm lý phát sinh trong quá trình học tập. Đối với các bạn cấp hai, vấn đề phổ biến nhất là vấn đề về giới tính. Các bạn ở độ tuổi này bắt đầu tò mò muốn được khám phá về giới tính của bản thân, cũng như giới tính của những bạn bè xung quanh mình. Bên cạnh đó, bạo lực học đường cũng là vấn đề đáng được quan tâm. Điều này có thể xuất phát từ những ngôn từ, hành động bạo lực hay thậm chí từ chính những xích mích nhỏ trong mối quan hệ bạn bè.

Tiếp theo, khi bước sang giai đoạn chuyển cấp, các bạn sẽ có thể gặp vấn đề về việc thay đổi hình thức học, từ có người hướng dẫn sang tự học nhiều hơn. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng kế hoạch học tập, xác định mục tiêu cũng như động lực học tập cho các bạn học sinh.

Đối với lứa tuổi cấp 3, giới tính chính là vấn đề nổi cộm. Khác với cấp 2, vấn đề này sẽ có xu hướng liên quan đến quan hệ tình dục an toàn, bệnh lây truyền qua đường tình dục và xu hướng tính dục. Một số vấn đề khác như định vị bản sắc cá nhân, rối loạn lo âu, định hướng nghề nghiệp tương lai cũng đáng được lưu tâm.

Theo chuyên viên, nguyên nhân của những vấn đề tâm lý mà học sinh ngày nay đang gặp phải xuất phát từ đâu?

Theo tôi, có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề tâm lý mà các bạn học sinh trong lứa tuổi dậy thì đang gặp phải. Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là vấn đề sinh học. Theo sinh học phát triển của con người, mỗi độ tuổi phát triển đều sẽ có những khủng hoảng riêng. Khi bước đến giai đoạn khủng hoảng, các bạn sẽ có những bước chuyển mình về mặt nhận thức, cảm xúc và hành vi. Sau mỗi giai đoạn chuyển mình, các bạn sẽ lớn hơn, chững chạc hơn và hình thành nhân cách theo bản sắc riêng của mình. Ở lứa tuổi này, về mặt sinh học, là giai đoạn dậy thì. Con trai và con gái bắt đầu có nhu cầu tìm hiểu về bản thân mình cũng như có sự tò mò về cơ thể của đối phương. Chính vì vậy, các bạn rất cần sự hỗ trợ từ phía chuyên viên tâm lý, cũng như nhà trường và gia đình.

Nguyên nhân thứ hai đến từ môi trường sống. Một môi trường an toàn, lành mạnh chính là điều kiện tốt trong việc hỗ trợ và thúc đẩy sức khỏe tinh thần của các bạn phát triển lành mạnh. Ngược lại, một môi trường độc hại, với sự kỳ thị, lấn át, không cho trẻ được bộc lộ, thể hiện bản thân thì sẽ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm lý của trẻ.

Nguyên nhân thứ ba, là việc trẻ được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm. Trong thời gian xảy đại dịch COVID-19, việc học online thường xuyên, tiếp xúc sớm với mạng internet đã phần nào gián tiếp tạo cơ hội cho trẻ tiếp cận thông tin ngoài tầm kiểm soát của người lớn. Điều này dẫn đến việc suy nghĩ của trẻ có thể bị định hướng sai lệch ngay từ đầu, khiến các bạn có những góc nhìn lệch lạc về vấn đề tâm lý bản thân đang gặp phải.

Đừng làm ngơ trước cảm xúc của lứa tuổi học đường - Ảnh 2.

"Nhà trường và phụ huynh có vai trò như những bậc thang, cùng hỗ trợ song song với nhau nhằm thúc đẩy sức khỏe tinh thần của học sinh" - Chuyên viên tâm lý cho biết

Dấu hiệu để nhận biết khi các bạn học sinh đang gặp phải những vấn đề về sức khỏe tinh thần là gì. Thưa chị?

Theo kinh nghiệm của tôi, chúng ta có thể nhận biết được lúc nào các bạn học sinh gặp phải khó khăn về tâm lý thông qua nguyên lý "chiếc kiềng ba chân". "Chiếc kiềng ba chân" này bao gồm nhận thức, cảm xúc và hành vi. Nếu học sinh gặp phải một trong ba vấn đề này, thì đồng nghĩa với việc có khả năng cao bạn ấy đang có khó khăn về sức khỏe tinh thần. Chẳng hạn, khi một bạn học sinh đến trường với một tâm thế mất động lực học, mất tập trung và không kết nối được với mọi người, học sinh đó sẽ có xu hướng cảm thấy cực đoan, lạc lõng, có hành động thu mình lại và luôn nhìn mọi thứ xung quanh theo chiều hướng tiêu cực. Trường hợp khác, khi trẻ có những hành vi gây hấn, xung đột với người khác, hay có những hành động tự hại bản thân, điều này đồng nghĩa với việc bạn trẻ đó đang gặp phải vấn đề tâm lý.

Đừng làm ngơ trước cảm xúc của lứa tuổi học đường - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Khi biết một học sinh gặp vấn đề về sức khỏe tinh thần, nhà trường và phụ huynh cần phải làm gì để hỗ trợ?

Theo tôi, nhà trường và phụ huynh có vai trò như những bậc thang, cùng hỗ trợ song song với nhau nhằm thúc đẩy sức khỏe tinh thần của học sinh. Từ phía trường học, trước hết nhà trường cần có những chương trình phòng ngừa để có thể hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Chẳng hạn, chương trình có thể xây dựng  theo mô hình hỗ trợ đa tầng của hội đồng tâm lý học Hoa Kỳ, với hàng dưới cùng có vai trò phòng ngừa chiếm 80%. Khi tất cả học sinh được phổ cập những vấn đề về tâm lý thường gặp, điều này đồng nghĩa nhà trường đã hỗ trợ được 80% cho học sinh. Nếu trẻ đã được phòng ngừa nhưng vẫn gặp khó khăn khi ứng phó với những vấn đề tâm lý, trẻ cần gặp những chuyên viên tâm lý để được hỗ trợ và chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đây là 15% vai trò tiếp theo. Còn lại, 5% là những học sinh gặp khó khăn về tâm lý ở mức độ nặng với những suy nghĩ tự hại bản thân hay có hành động tự sát. Đối với những trường hợp này, bắt buộc phải nhờ đến sự giúp đỡ của những nguồn lực bên ngoài cơ sở trường học, bao gồm bệnh viện, trung tâm can thiệp, trung tâm trị liệu tâm lý, bác sĩ tâm thần.

Về phía gia đình, đầu tiên, bố mẹ cần phải quan sát những biểu hiện, những tâm trạng, cảm xúc của con thường xuyên. Cùng với đó, gia đình cũng phải phối hợp với nhà trường để hỗ trợ, phổ cập kiến thức cho mình, từ đó có thể nhận ra, kịp thời ứng phó với những vấn đề tâm lý trẻ gặp phải và đưa ra những lời khuyên hữu ích khi cho trẻ trong giai đoạn này. Đặc biệt lưu ý, nuôi dưỡng trẻ trong bầu không khí không phán xét, không định kiến, không so sánh quá mức là điều cần thiết cho sức khỏe tâm lý của trẻ phát triển lành mạnh.

Và đâu là những thói quen xây dựng sức khỏe tinh thần lành mạnh đối với các bạn học sinh? 

Các bạn học sinh có thể chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ để viết nhật ký hàng ngày. Điều này giúp cho các bạn giải tỏa được những cảm xúc khó chịu, nhìn nhận lại bản thân và khiến tâm trí được thoải mái hơn. 

Thói quen thứ hai là nên dành ra ít nhất 30 phút mỗi ngày để luyện tập thể dục. Thể thao chính là phương thức tạo ra những năng lượng tích cực, giúp cho não bộ thoải mái và minh mẫn hơn, từ đó điều hòa cảm xúc và tinh thần tốt hơn. 

Thứ ba, xây dựng mối quan hệ bạn bè lành mạnh. Việc này sẽ hỗ trợ học sinh trong việc giúp đỡ và thúc đẩy lẫn nhau cùng phát triển tốt. Ngược lại, các mối quan hệ bạn bè tiêu cực sẽ dẫn đến sự lan truyền những những niềm tin, nhận định, thói quen và hành vi không tốt. Điều này có thể khiến cho sức khỏe tinh thần của các bạn gặp vấn đề. Chính vì vậy, các bạn học sinh hãy tìm kiếm cho mình những người bạn bè đáng tin cậy để có thể dựa vào, được hỗ trợ và được chăm sóc.

Cuối cùng là việc tiếp cận thông tin trên mạng xã hội. Các bạn nên theo dõi có chọn lọc những trang thông tin uy tín về tâm lý học và chăm sóc sức khỏe tinh thần có chọn lọc.

Tôi muốn chia sẻ rằng "Mọi cảm xúc đều xứng đáng được tôn trọng". Cảm xúc vui, buồn, thất vọng hay chán nản đều là những cảm xúc bình thường của chúng ta. Khi các bạn gặp những vấn đề tâm lý, hãy tìm đến chúng tôi, những người làm về sức khỏe tinh thần, luôn sẵn sàng hỗ trợ và chăm sóc cho các bạn!

Xin chân thành cảm ơn những lời chia sẻ của chuyên viên!

Chuyên viên tâm lý học đường Hoàng Diễm:

- Cử nhân Tâm lý học Giáo dục tại Học viện Quản lý giáo dục (2015)

- Học viên Cao học chuyên ngành Tâm lý học đại học Sư phạm Hà Nội

- Huấn luyện viên kĩ năng sống, Giám đốc tổ chức chương trình "Tôi tài giỏi! Bạn cũng thế" (2011 - 2014)

- Diễn giả chuỗi workshop "Cha mẹ tích cực" (2018 - 2021)…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm