pnvnonline@phunuvietnam.vn
Cần chính sách miễn học phí cho trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn
Trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn ở Thái Bình. Ảnh minh họa
Nỗi lo học phí
Nuôi 2 con học đại học, áp lực kinh tế chưa bao giờ là nhỏ đối với chị Trần Thị Luận - Chi hội trưởng phụ nữ thôn Tân Xuân, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị. Vì vậy, khi chị quyết định trở thành mẹ đỡ đầu của em Trần Văn Khang ở cùng thôn, nhiều người lo chị không thể cáng đáng. "Quả thực tôi có thoáng nghĩ đến những khó khăn nhưng thấy một mình mẹ cháu Khang nuôi 3 con ăn học quá vất vả, tôi nghĩ mình cứ chung tay được phần nào hay phần đó", chị Luận cho biết.
Khang chuẩn bị bước vào lớp 11. Hơn 1 năm nay, vì trường xa nhà nên hầu hết em đều phải đi nhờ xe của bạn. Tuy nhiên, điều khiến 2 người mẹ của em lo lắng hơn cả là bậc THPT, Khang chỉ được giảm 50% học phí theo quy định của Chính phủ. Vì vậy, để có thể lo được các chi phí khác cho em theo học không phải chuyện đơn giản.
Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự như em Trần Văn Khang, em Lê Thúy Liên Lan (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) - con đỡ đầu của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - cho biết, gia đình có 6 anh chị em, mẹ đã mất, còn bố bỏ đi không quan tâm tới các con. Vì vậy, 2 anh trai lớn là người chăm sóc, cưu mang cho Lan và các em.
Chị Bùi Thị Thu Hà - cán bộ Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam - cho biết để có thể nuôi 4 đứa em ăn học, 2 anh trai của Lan phải lao động rất vất vả. Hiện nay, học phí của Lan tại trường THPT được giảm 50%, vì vậy chi phí hàng tháng Bảo tàng hỗ trợ cháu gần như chỉ đủ để đóng số tiền còn lại và một số chi phí khác phục vụ học tập. "Chúng tôi rất buồn khi nghe con tâm sự sau khi học hết cấp 3, con chưa biết nên học nghề hay sẽ đi làm luôn để phụ anh trai nuôi các em và cháu", chị Hà cho hay.
Cần bổ sung vào đối tượng được miễn học phí
Sau đại dịch Covid-19, hàng ngàn em nhỏ trở thành trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Với ý nghĩa nhân văn mong muốn được bù đắp về vật chất lẫn tinh thần cho các trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, Hội LHPN Việt Nam đã phát động chương trình "Mẹ đỡ đầu" trên toàn quốc, hỗ trợ cho gần 20 nghìn trẻ em.
Tại Gala Trại hè "Hoa hướng dương" 2023 được tổ chức mới đây, nhiều ý kiến đóng góp của các Mẹ đỡ đầu đã được đưa ra. Chị Hoàng Thị Thanh Thủy, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân tỉnh Đắk Lắk, mẹ đỡ đầu của cháu Đoàn Ngọc Nhã Trúc (Đắk Lắk), cho biết: "Trong quá trình làm công tác xã hội, tôi nhận thấy có rất nhiều gia đình không đủ điều kiện đóng học phí cho con. Trong khi đó, để đáp ứng được tiêu chí nằm trong diện miễn học phí thì không phải gia đình nào cũng đủ yêu cầu. Vì vậy, ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rất nhiều em chỉ học hết lớp 5 rồi bỏ học vì bố mẹ không có tiền".
Chị Thủy nhận định, thời gian vừa qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, công tác an sinh xã hội về cơ bản đã giải quyết được khâu "cơm no, áo ấm". "Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ giúp ở phần nổi, chỉ đáp ứng được cho các em về mặt vật chất mà không có giáo dục thì cuộc sống của các em trong tương lai cũng khó đảm bảo. Bởi vậy rất nhiều điểm trường đã được xây dựng ở vùng cao, nếu như các chính sách miễn học phí cho trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh khó khăn cũng được áp dụng thì tôi tin là sẽ có thêm nhiều trẻ em được thay đổi cuộc sống thông qua tri thức", chị Thủy chia sẻ.
Đồng quan điểm, chị Trần Thị Luận và chị Bùi Thị Thu Hà cho rằng, hiện nay rất nhiều trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên các em lại sống với người thân (ông, bà, họ hàng…) không nằm trong diện hộ nghèo. Song, hoàn cảnh gia đình của những người nuôi dưỡng cũng không khá giả, thậm chí là vẫn phải lo ăn từng bữa nên việc học của các cháu ít nhiều sẽ gặp trở ngại vì nỗi lo không trang trải được học phí. "Giáo dục vẫn là con đường tối ưu nhất để trang bị cho các em một tương lai tươi sáng hơn, vì vậy tôi rất mong Chính phủ sẽ có thêm những chính sách để hỗ trợ các em nâng cao năng lực, nhận thức thông qua học tập", chị Bùi Thị Thu Hà cho biết.
Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho biết, căn cứ Điều 15 Nghị định 81/2021/NĐ-CP, hiện nay Chính phủ đã có những quy định cụ thể về các đội tượng được miễn học phí. Tuy nhiên, qua thực tế đời sống cũng như những đề xuất, nguyện vọng của các cá nhân, tổ chức đang thực hiện chương trình "Mẹ đỡ đầu", bà Nguyễn Thị Mai Hoa cũng nhất trí với việc đề xuất Chính phủ xem xét, bổ sung các đối tượng và các cấp học có có thể miễn học phí, trong đó có trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, nhằm giảm bớt gánh nặng cho những người cưu mang, nuôi dưỡng các em, đồng thời mở ra những cơ hội cho mọi trẻ em đều có thể đến trường.