Đừng xoáy thêm vào nỗi đau của trẻ bị xâm hại

15/03/2017 - 12:00
Cả xã hội đang tập trung đấu tranh đòi công lý mà quên mất cơ chế bảo vệ nạn nhân, có thể khiến tổn thương của đứa trẻ bị xâm hại ngày càng nặng nề khi nỗi đau ngày nào cũng bị nhắc đi nhắc lại.
xamhai4.jpg
Đừng bắt trẻ bị xâm hại nhắc đi nhắc lại nỗi đau của mình. Ảnh minh họa internet.

Trong những ngày gần đây, thông tin về các vụ xâm hại tình dục trẻ em khiến xã hội vô cùng bức xúc. Trên các diễn đàn, trên mạng xã hội chia sẻ vụ việc rất rầm rộ, họ mong muốn công lý phải được thực thi, những “yêu râu xanh” phải bị trừng trị thích đáng. Tuy nhiên, theo chị Hà Minh Loan (Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD)/Chương trình Gia đình Việt), cả xã hội “sùng sục” lên án kẻ ấu dâm mà quên mất việc bảo vệ những đứa trẻ bị xâm hại. “Ở khắp nơi đều thấy chia sẻ bài viết về vụ việc, trong đó chỉ rất rõ tên tuổi, địa chỉ của nạn nhân, những miêu tả chi tiết về hành vi biến thái gây ra cho nạn nhân… Chính việc này thêm một lần nữa đứa trẻ phải đối mặt, sống lại với nỗi đau của mình. Chúng ta chưa có cơ chế bảo vệ nạn nhân. Ở Mỹ, cũng là vụ xâm hại trẻ em như Minh béo, nhưng chỉ tội phạm được biết đến, còn danh tính của nạn nhân tuyệt nhiên không xuất hiện”.

Theo chị Loan, trong những vụ việc thế này, phải vì lợi ích tốt nhất của trẻ. Người lớn phải tôn trọng người bị hại, tôn trọng cảm xúc của chúng. Trẻ cảm thấy có nguy cơ nên trẻ không nói thì người lớn phải tôn trọng sự im lặng ấy. Bởi, trẻ sẽ chỉ nói, chỉ bày tỏ ý kiến trong môi trường an toàn, với người đối diện tin tưởng và có phương pháp phù hợp.

xamhai5.jpg
Người lớn cần tôn trọng quyền im lặng của trẻ bị xâm hại. Ảnh minh họa internet.

Chị Lê Thanh Thủy (CLB Ô xinh), cũng cho rằng, việc điều tra trong vụ trẻ bị xâm hại không khác gì con dao hai lưỡi khi bắt trẻ kể đi kể lại những việc đau lòng, gây tổn thương cho trẻ. Lẽ ra trẻ bị xâm hại phải được chuyển ngay đến phòng tâm lý để được ổn định về tâm lý, để được cảm thấy tin tưởng, chia sẻ chứ không phải bị hỏi dồn dập. Làm theo quy trình thi hành luật của nước ta hiện nay không có tác dụng bảo vệ trẻ em. Ở nước ngoài, công an phải được đào tạo các kỹ năng làm việc với trẻ em để hiểu rõ tâm lý của trẻ. Công lý có thể được thực thi, nhưng nạn nhân là những đứa trẻ lại bị tổn thương. Như có ý kiến yêu cầu phiên tòa di động với vụ xâm hại trẻ em ở Vũng Tàu là tuyệt đối không nên. Chúng ta không thể bắt một đứa trẻ đã rất tổn thương một lần nữa đứng trước đông người để nói về nỗi đau của nó.

Với những bà mẹ đứng lên tố cáo việc con mình bị xâm hại, thực sự rất dũng cảm. Tuy nhiên, không vì thế mà xã hội chê trách những đứa trẻ bị xâm hại đang im lặng, những bà mẹ của các nạn nhân để vụ việc âm thầm trôi qua. Chị Loan cho rằng, chúng ta không thể đổ dồn trách nhiệm vào những đứa trẻ mong manh, yếu ớt. Bởi chúng có quyền im lặng. Chị Loan trăn trở, rất nhiều cha mẹ “mất bò mới lo làm chuồng”, khi thấy những vụ việc xâm hại “ầm ĩ” mới cuống cuồng dạy con các kỹ năng về phòng chống xâm hại tình dục trẻ em. Dạy con là cả một quá trình để những kiến thức các con học được trở thành kỹ năng thì các con mới có thể bảo vệ được bản thân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm