Được nuông chiều, trẻ coi mình là “trung tâm vũ trụ”

Gia Linh
27/09/2020 - 14:31
Được nuông chiều, trẻ coi mình là “trung tâm vũ trụ”

Ảnh minh họa internet

Ở nhà được ông bà, bố mẹ nuông chiều nên bé Bông (lớp 2) luôn coi mình là “trung tâm vũ trụ”, muốn mọi việc và mọi người phải xoay quanh mình. Mang tính cách ấy đến lớp, Bông khiến cô giáo và bạn bè rất khó chịu.

Với bạn bè, Bông rất đành hanh. Thấy các bạn có đồ gì mới, Bông đòi bằng được. Chơi với các bạn, Bông đặt ra các luật lệ riêng mà các bạn phải theo. Ngược lại, Bông không tôn trọng nguyên tắc của người khác, còn hay đòi hỏi và cho rằng việc mình được đáp ứng là hiển nhiên. Ngồi cùng bàn một bạn gái nhưng Bông luôn chiếm 2/3 bàn. Nếu vô tình bạn để sách quá "biên giới" mà Bông vạch ra, Bông sẽ vẽ lung tung vào sách vở của bạn.Trước mặt cô giáo, Bông rất thích thể hiện. Ngày nào, em cũng "tranh" với các bạn để nói chuyện với cô.

Có lần, khi nói chuyện với cô giáo xong, thấy cuốn sách rơi trước mặt, Bông không hề do dự mà giẫm lên cuốn sách và đi tiếp. Cuốn sách mới bị in vết chân trông thật thảm hại. Cô giáo rất ngạc nhiên về cô trò của mình. Cô không thể nghĩ một đứa trẻ hay nói hay cười lại lạnh lùng như vậy, không biết yêu quý đồ đạc của bạn.

Giống như Bông, nhiều đứa trẻ thời nay luôn coi mình là nhất, là "trung tâm của vũ trụ". Cũng bởi, những đứa trẻ này được ông bà, bố mẹ quá chiều chuộng, đòi gì được nấy nên không quan tâm đến người khác, không biết yêu thương người khác.

Được nuông chiều, trẻ coi mình là “trung tâm vũ trụ” - Ảnh 1.

Nhiều đứa trẻ thời nay luôn coi mình là nhất, là "trung tâm của vũ trụ". Ảnh: theasianparent

Để trẻ giảm ý thức coi mình là nhất thì trước tiên cần giảm sự chăm lo, chiều chuộng của ông bà, bố mẹ. Việc chiều chuộng "vô đối" chỉ làm tăng tính ích kỷ, cá nhân của trẻ. Điều đầu tiên là hãy đáp ứng thật ít cho trẻ để dạy trẻ lòng biết ơn. Khi trẻ dễ dàng có ngay thứ mình muốn, trẻ dễ nghĩ rằng việc mọi người đáp ứng yêu cầu của mình là đương nhiên. Vì thế, trẻ mất đi sự nỗ lực tự thân, không biết trân trọng những thứ mình có và càng ngày những đòi hỏi càng lớn. Có những trẻ gắt gỏng với bố mẹ, chê bai hoặc vứt bỏ những vật dụng không vừa ý mình. Ông bà, bố mẹ cần giới hạn những quyền lợi và sở hữu của trẻ. Ví dụ, giảm bớt tiền tiêu vặt, tiền điện thoại, dọn bớt tủ quần áo, cất những đôi giày đắt tiền, chỉ để lại những trang phục cần thiết và không đáp ứng những đòi hỏi mua sắm.

Ông bà, bố mẹ cần chuyển trọng điểm chú ý trong gia đình, coi trẻ chỉ là một thành viên bình đẳng. Như vậy, trẻ mới nhận thức đúng đắn về bản thân và nhìn thấy điểm mạnh của người khác.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động cùng với gia đình, có mối quan hệ tốt với bạn bè, hàng xóm, để trẻ được học tập, vui chơi bình đẳng như các bạn. Khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động tập thể, cảm nhận được tinh thần tập thể, giảm cái tôi cá nhân của mình. Hãy giúp trẻ thấy rằng thế giới ngoài kia có những người cần được giúp đỡ, cũng như có những người giỏi hơn mình rất nhiều. Khuyến khích trẻ làm tình nguyện viên, tham gia các hoạt động xã hội cũng như những cuộc thi thể thao, trí tuệ giữa các trường. Bố mẹ có thể đưa con đi du lịch 'bụi, cần trèo đèo lội suối, cần tinh thần đồng đội. Đưa con về quê, nơi giá trị cuộc sống nằm ở sự trong lành và giản đơn. Hay nói cách khác, giúp con tiếp xúc với nhiều loại người, nhiều cách sống khác nhau với sự theo dõi của ba mẹ. Mở rộng thế giới quan giúp con nhận thấy thế giới này rộng lớn, mình có nhiều điều để học và trước tiên là bài học về sự khiêm tốn.

Bố mẹ có thể áp dụng chế độ thưởng phạt, giảm ý thức coi mình là trung tâm của trẻ. Hàng ngày, khi trẻ có biểu hiện tốt, bố mẹ hãy khen trẻ. Cứ như vậy, sẽ nhấn mạnh việc làm đúng của trẻ, để trẻ dần dần hiểu làm thế nào thì được người khác khen ngợi

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm