Hậu quả từ quá chiều con

16/07/2017 - 06:36
Nhiều cha mẹ nuông chiều con vô điều kiện, thả cho con muốn làm gì thì làm mà không biết điều này sẽ mang tới những hậu quả khó lường cho trẻ.
nuongchieu1.jpg
Nhiều cha mẹ nuông chiều con, không ra luật lệ nào với con. Ảnh minh họa

Cách chiều con của chị Đoàn Tú Mai (Hồng Mai, Hà Nội) khiến nhiều người thân thấy nản. Chị cho 2 đứa con tự do, muốn làm gì thì làm. Chị ít khi kỷ luật con. Con chị học không giỏi nhưng không bao giờ chị ép con học. Chị cho con sống với đúng sở thích, ý muốn của mình.

Chị dễ dàng đáp ứng nhu cầu của con, từ tinh thần đến vật chất. Thỉnh thoảng, chị có đề ra luật lệ với con nhưng chỉ thực hiện được vài ngày đầu rồi “đâu lại vào đấy”. Vì chị luôn tâm niệm để con sống thật thoải mái và mẹ có thể trở thành bạn của con.

Tiến sĩ Lê Nguyên Phương, chuyên gia tâm lý học đường ở Mỹ cho biết, tại Việt Nam, một số phụ huynh, thường là các phụ huynh trẻ, đang áp dụng ít nhiều về phương pháp dạy con của Âu Mỹ. Một số có thể nghĩ đây mới chính là lối dạy con tự do phóng khoáng đúng tinh thần dân chủ Âu Mỹ nhất.

Thực ra, phụ huynh dạy con theo kiểu nuông chiều này đã hiểu sai và không trọn vẹn dạy con theo tinh thần dân chủ, vì dân chủ luôn gắn tự do với trách nhiệm và những định chế kiểm soát và quân bình lẫn nhau.

Ở một số trường hợp khác, các phụ huynh trong nhóm này vốn lúc nhỏ bị cha mẹ dạy theo lối độc đoán và có thể lớn lên trong túng thiếu, nay không muốn con mình phải trải qua những đau khổ mà mình đã hứng chịu, nên cố đền bù cho con bằng cả vật chất lẫn tinh thần.

nuongchieu2.jpg
Nhiều cha mẹ sẵn sàng đáp ứng cả tinh thần lẫn vật chất khi con yêu cầu. Ảnh minh họa

TS. Lê Nguyên Phương cho biết, nghiên cứu thực nghiệm cho thấy trẻ lớn lên trong nuông chiều thường thiếu kỷ luật tự thân. Chúng thường gặp nhiều vấn đề kỷ luật trong nhà trường vì những lề luật ở trường và ở nhà quá khác nhau. Trong vấn đề học vấn, chúng cũng ít có động lực đạt điểm cao hay thi vào trường giỏi, chấp nhận những thách đố về học vấn trong môi trường học đường.

TS. Lê Nguyên Phương lý giải, tuy chúng không bị đòi hỏi từ phía cha mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng cũng sẽ ít đòi hỏi ở người khác. Khả năng trẻ con được cha mẹ nuông chiều trở nên vị kỷ và nhu cầu đòi hỏi thế giới phải theo ý mình cao hơn những trẻ khác. Chính vì thế, khả năng giao tiếp xã hội cũng bị hạn chế khi chúng không biết tương tác. Chúng có thể đối xử với tất cả người trong giao tiếp theo kiểu “cá mè một lứa”, rất vui vẻ hòa đồng nếu mọi chuyện đều theo ý chúng.

Tuy nhiên, khi có một vấn đề không như ý xảy ra, chúng dễ nổi cơn giận dữ và không biết điều tiết những tình cảm tiêu cực của mình, vì trong quá khứ mỗi lần như vậy đều có một bà mẹ hay ông bố lập tức chạy đến xoa dịu chúng.

Trong môi trường xã hội và đặc biệt trong công sở, trẻ trong nhóm này thường gặp khó khăn tuân thủ các quy định thành văn và nhất là bất thành văn của xã hội, vì chúng không qua thực tập suy đoán về những điều này lúc còn nhỏ.

Vào làm việc trong một công sở hay công ty, chúng khó có thể thay đổi để trở thành một thành viên. Trẻ trong nhóm này mặc dù có thể có rất nhiều tài năng cũng khó trở thành lãnh đạo vì thiếu khả năng giải quyết và quyết định một vấn đề, do khi còn nhỏ, chúng hoàn toàn không phải đối mặt với một khó khăn trong gia đình mà mọi ý muốn hay quyết định của chúng đều được cha mẹ chiều theo.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm