Đường dây cho vay nặng lãi 20.000 tỉ dùng thủ đoạn cắt ghép ảnh "nóng", ảnh thờ để đòi nợ

B. Bình
25/07/2023 - 11:44
Đường dây cho vay nặng lãi 20.000 tỉ dùng thủ đoạn cắt ghép ảnh "nóng", ảnh thờ để đòi nợ

Lực lượng Công an khám xét công ty trung gian (Ảnh: Bộ Công an)

Công an tỉnh Quảng Nam vừa phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an cùng các đơn vị nghiệp vụ triệt phá đường dây cho vay nặng lãi online lớn nhất từ trước tới nay trong cả nước.

Triệt phá đường dây cho hơn 1 triệu người vay với lãi suất 2.346%/năm 

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam vừa ra Quyết định khởi tố vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Cưỡng đoạt tài sản; Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can tạm giam đối với 45 đối tượng có hành vi phạm tội liên quan để phục vụ điều tra.

Trước đó, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình trên không gian mạng, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện nhiều người dân trên địa bàn tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước bị các đối tượng dẫn dụ cài đặt các App vay tiền nhanh để vay tiền với lãi suất cao.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định: Từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2023, nhóm đối tượng người Trung Quốc chủ mưu cấu kết với các đối tượng người Việt Nam sử dụng nhiều công ty “ma” để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất 2.346,4%/năm cho hơn 1 triệu người trên toàn quốc thông qua ứng dụng trên điện thoại di động.

Các đối tượng đã cho vay lãi nặng với số tiền lên đến hơn 20.000 tỷ đồng thu lợi bất chính trên 8.000 tỷ đồng, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền trên 5.000 tỷ đồng.

Thủ đoạn hết sức tinh vi

Thượng tá Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Nam cho biết: Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng thành lập các pháp nhân thương mại "ma" sử dụng không gian mạng, thuê máy chủ tại nước ngoài, xây dựng các ứng dụng cho vay trên diện thoại di động. Khi người vay tải ứng dụng, đăng ký bằng CMND/CCCD, tài khoản ngân hàng, số điện thoại chính chủ và đồng ý với điều khoản, điều kiện vay thì tất cả các thông tin về điện thoại được đồng bộ về cơ sở dữ liệu của đối tượng nhằm phục vụ cho hoạt động thu hồi nợ sau này. Chu kỳ áp dụng cho mỗi gói vay là 7 ngày. 

Tiền lãi của gói vay thường là 45%/tuần, tương đương 2.346,4%/ năm và được các đối tượng trừ thẳng vào số tiền gốc người vay đăng ký khi giải ngân, nếu trong thời gian 7 ngày người vay không trả được tiền thì các đối tượng cho vay sẽ yêu cầu trả tiền gia hạn thêm 7 ngày với số tiền gia hạn là 45% số tiền vay. Đồng thời lợi dụng sự sơ hở, thiếu kiểm tra của các công ty trung gian thanh toán tại Việt Nam, nhóm đối tượng đã thông qua các công ty trung gian thanh toán để cho vay số tiền trên 20.000 tỷ đồng, và thu hồi nợ, thu lợi bất chính số tiền trên 8.000 tỷ đồng. 

Các đối tượng thành lập hàng chục công ty “ma” để rửa tiền và chuyển tiền trái phép qua biên giới. Ảnh: Công an Quảng Nam

Các đối tượng thành lập hàng chục công ty “ma” để rửa tiền và chuyển tiền trái phép qua biên giới. Ảnh: Công an Quảng Nam

Để tránh sự theo dõi, kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu còn tổ chức nhiều nhóm nhỏ, tại nhiều địa bàn khác nhau trên toàn quốc thực hiện việc: nhắc nợ, đòi nợ bằng nhiều hình thức vi phạm pháp luật. Đối với số tiền thu lợi bất chính qua hoạt động phạm tội, nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức "rửa tiền" qua bất động sản, chuyển tiền trái phép ra khỏi Việt Nam bằng "Tiền ảo" và "Kênh chuyển tiền bất hợp pháp".

Thượng tá Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Nam cho biết thêm: "Các đối tượng phạm tội khai thác triệt để không gian mạng để hoạt động. Chúng sử dụng các công ty "ma" và các công ty trung gian để thanh toán hoạt động hợp pháp để "cho vay" và "thu hồi vốn" nên "ẩn danh". Đối với số tiền thu lợi bất chính, các đối tượng sử dụng trên 5.000 tài khoản ngân hàng "không chính chủ" để luân chuyển dòng tiền phạm tội, qua đó tổ chức "rửa tiền" và sử dụng nhiều phương thức chuyển tiền trái phép ra khỏi Việt Nam số tiền đặc biệt lớn như: qua tiền ảo, các kênh chuyển tiền trái pháp luật. Địa bàn tổ chức hoạt động phạm tội xảy ra trên địa bàn toàn quốc, qua đó rất khó khăn trong công tác tổ chức trinh sát, thu thập thông tin về hoạt động phạm tội. Các đối tượng phạm tội người nước ngoài chia ra nhiều nhóm nhỏ và phân công luân phiên thay đổi nhau nhập cảnh vào Việt Nam nên đây cũng là vấn đề rất khó khăn trong công tác thu thập tài liệu về đối tượng. Hơn nữa, dữ liệu về hoạt động cho vay đặt máy chủ tại nước ngoài nên công tác thu thập chứng cứ điện tử cũng là vấn đề rất khó khăn".

Liên quan đến vụ việc trên, chia sẻ trên Đài Truyền hình Việt Nam, Thượng tá Nguyễn Huy Lục - Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phân tích:

Để thực hiện hành vi cho vay nặng lãi, các đối tượng thường quảng cáo số tiền lãi suất thấp, song khi điều tra, cộng lại các khoản phí thì lãi suất lên đến hàng nghìn phần trăm. Ví dụ, trong một số trường hợp, với gói vay trong vòng 7 ngày, lãi suất lên đến hơn 2.300%/năm, tính ra trung bình lãi suất lên đến khoảng 190%/tháng. Trong khi đó, theo quy định của Bộ luật Dân sự, lãi suất vay tối đa chỉ 20%/năm, tương đương 1,6%/tháng, như vậy các đối tượng này cho vay cao gấp hàng trăm lần so với quy định.

Các đối tượng thường xuyên đưa ra nhiều phương thức, thủ đoạn để che giấu lực lượng chức năng. Một trong những phương thức đó là chia ra thành nhóm nhỏ để hoạt động.

Bên cạnh đó, khi nhắc nợ không thành công, người vay chưa có khả năng chi trả thì các đối tượng sẽ trực tiếp sử dụng thủ đoạn cắt ghép hình ảnh thành ảnh "nóng", ảnh bài vị bàn thờ để tạo căng thẳng cho người vay, ép người vay phải trả tiền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm