pnvnonline@phunuvietnam.vn
Đương kim Miss Universe tiết lộ vẫn mất tự tin sau khi đăng quang Hoa hậu
Những bài học đầu tiên từ gia đình
Zozibini Tunzi lớn lên ở làng Tsolo, Eastern Cape (Nam Phi). Mẹ cô là hiệu trưởng trường làng Bolotwa. Bố cô là Lungisa Tunzi làm việc trong Khoa Giáo dục và đào tạo - Đại học Pretoria.
Với cô, bố mẹ luôn là tấm gương về nhân cách sống và tinh thần ham học hỏi. Bố dạy cô hiểu về tầm quan trọng của giáo dục và kỷ luật bản thân. Mẹ thì luôn nhắc nhở cô về ý nghĩa của lòng tốt và sự tử tế với mọi người.
Zozibini không có nhiều bạn bè, gia đình chính là tình yêu thương, niềm tự hào và tất cả mọi thứ đối với cô. 3 chị em gái đã dạy cô cách sống chan hòa, yêu thương và cách cảm nhận tinh tế về tiềm năng, vẻ đẹp của phụ nữ.
Bà của cô, người phụ nữ không có cơ hội đến trường trong chế độ Apartheid nhưng bà rất đề cao tri thức. Bà đã truyền cho Zozibini tình yêu với những quyển sách và thổi bùng ngọn lửa ham học hỏi trong cô từ khi còn rất nhỏ.
Từ cuộc thi sắc đẹp đầu tiên vào năm cô 16 tuổi cho đến cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ năm 2019, gia đình luôn có mặt bên cạnh cô. Nhất là bố cô, ông lưu giữ tất cả những khoảnh khắc quan trọng của cuộc đời con gái với một tình yêu thương bao la và niềm tự hào lớn lao. Ngoài ra, ông là tài xế tận tụy, người hâm mộ và chỗ dựa vững chắc nhất của cô.
Khi đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ - Miss Universe 2019, Zozibini vừa tự hào vừa xúc động khi nghĩ đến gia đình mình. Trong lòng cô ngập tràn lòng biết ơn với bố mẹ: "Con có được ngày hôm nay là nhờ có bố mẹ. Bố mẹ đã nuôi con lớn và giúp con trở thành người phụ nữ luôn tự hào về nguồn gốc xuất thân của mình. Bố mẹ đã phải trải qua biết bao nhiêu vất vả khó nhọc và hy sinh cho con để con có ngày hôm nay… Cả cuộc đời này con không thể nào quên công ơn ấy và con luôn mong bố mẹ có thể tự hào về con".
Bên cạnh đó, cô chưa bao giờ quên nguồn cảm hứng lớn lao trên bước đường thành công của mình: "Tôi ước gì bà vẫn còn sống để nhìn thấy những điều mà bà từng kỳ vọng nơi tôi".
Vượt qua nỗi sợ để thay đổi định kiến
Theo lời kể của gia đình, Zozibini vốn nhút nhát nhưng cô rất thích làm đẹp. Bố mẹ đã thuyết phục con gái tham gia cuộc thi sắc đẹp để cô cảm thấy tự tin hơn. Zozibini luôn được bố nhắc rằng: "Con không thể làm nên trò trống gì trong cuộc đời nếu như con không tự tin". Để khích lệ tinh thần của con gái, dù không phải là một thợ may chuyên nghiệp nhưng mẹ đã thiết kế trang phục cho cô dự thi. Zozibini đã thắng giải ngay cuộc thi đầu tiên.
Zozibini từng chia sẻ rằng: kể cả khi đã trở thành Hoa hậu Nam Phi, thỉnh thoảng cô vẫn cảm thấy mất tự tin. Một tháng trước khi đăng quang ngôi vị Hoa hậu Hoàn vũ, cô đã nhận những lời chế giễu làn da màu của mình ở đấu trường nhan sắc quốc tế.
Cô từng hoang mang tự hỏi: "Mình có thực sự thuộc về nơi này không? Mình có nên ở đây không? Có lẽ mọi người không thích mình". Cô cảm thấy bị choáng ngợp và thu mình, cho đến khi bình tĩnh lại. Khi ấy, cô mới nhận ra rằng: Mỗi người đều có những lý do khác nhau để tham dự cuộc thi. Không ai giống ai về sở trường và mỗi cá nhân đều có vai trò khác nhau trong xã hội này. Vì vậy cô phải tin vào bản thân. Cho dù không trở thành người đẹp nhất thì ít nhất cô sẽ là đại diện cho biểu tượng về sự khiêm nhường và lòng tốt bụng của người dân Nam Phi. Điều đó đã giúp Zozibini vượt qua nỗi sợ hãi.
"Tôi tham gia Hoa hậu Hoàn vũ với hy vọng phá vỡ mọi quan niệm sai lầm và định kiến tiêu cực về phụ nữ da đen và những người da đen nói chung. Những bình luận gây tổn thương là lý do tại sao chúng ta nên tiếp tục dấn thân vào nơi mà định kiến cho rằng không phải chỗ của mình", cô bày tỏ.
Cả bố mẹ cô đều là nhà giáo nên Zozibini cũng rất đề cao tầm quan trọng của giáo dục. Zozibini từng theo học Trường Đại học công nghệ Cape Peninsula, tốt nghiệp cử nhân ngành quan hệ công chúng và quản lý hình ảnh năm 2018. Khi trở thành hoa hậu, những điều đầu tiên cô muốn làm là cải tạo điều kiện và cơ hội học tập cho phụ nữ, trẻ em nghèo.
Ở phần thi vấn đáp cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, cô nói điều quan trọng cần dạy các bé gái ngày nay là khả năng lãnh đạo. Phụ nữ thiếu điều đó bởi họ là nạn nhân của định kiến xã hội trong thời gian dài.