Formosa đổ thải trái phép: Lo đến đời con cháu

13/07/2016 - 10:00
Nơi chôn hơn 100 tấn chất thải của Formosa chỉ cách con suối vài chục mét. Con suối này dẫn nước đến đập Mộc Khương, nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân các phường Kỳ Trinh, Kỳ Hưng, Kỳ Lợi…
“Tui lo cho đời con cháu”

Từ khi hàng trăm tấn chất thải của Formosa chôn trong trang trại của ông Lê Quang Hòa (Giám đốc công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh) bị phanh phui, hàng nghìn người dân xã Kỳ Trinh hoang mang lo lắng, bởi nơi chôn chất thải nằm ở thượng nguồn. Nơi có con suối chảy vào đập nước Mộc Khương. Con đập nước rộng lớn này là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân các xã Kỳ Trinh, Kỳ Lợi, Kỳ Hưng…thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Bà Lê Thị L. (60 tuổi, trú tại xã Kỳ Trinh) bức xúc nói với PV PNVN, từ khi biết tin chất thải được chôn ở trang trạng Hòa Xá, vùng thượng của khu vực này, bà ăn không ngon, ngủ không yên. “Từ mấy tháng nay chúng tôi không có cá biển để ăn, một cân cá nước ngọt cũng lên tới mấy trăm nghìn. Giờ cá nước ngọt cũng không dám ăn nữa. Trang trại Hòa Xá ngay cạnh khe nước đầu nguồn. Ai còn dám ăn”, bà L. bức xúc nói.

Không riêng bà L., nhiều người dân ở Kỳ Trinh cũng đang trong tình trạng đứng ngồi không yên. Rất nhiều câu hỏi được đưa ra mà chưa có lời giải đáp. Chất thải đó độc hại như thế nào? Sao lại chôn ở Kỳ Trinh? Từ khi chôn đến nay, chất thải đã ngấm vào đất, thẩm thấu vào nước suối nguồn hay chưa? Ai phải chịu trách nhiệm cho điều này? Trong khi những câu hỏi này đang được các cơ quan chức năng vào cuộc tìm lời giải thì người dân Kỳ Trinh phải sống trong lo âu, hoang mang.
13639810_1739576066330897_1728609417_o.jpg
 Con suối này nằm ngay cạnh trang trại Hòa Xá, nơi chôn hàng trăm tấn chất thải. Nguy hiểm hơn, dòng suối này là đầu nguồn cấp nước cho đập Mộc Khương. Nếu chất thải độc hại này ngấm vào đất, nước sẽ rất nguy hiểm cho dân vùng hạ (ảnh Hà Khê)
Ông Nguyễn Văn N., người dẫn chúng tôi đi thực địa ở trang trạng Hòa Xá và chỉ cho chúng tôi về mối liên hệ giữa nơi chôn chất thải – suối – đập Mộc Khương – nước sinh hoạt của người dân cho biết: Mấy hôm nay không ai dám ra đập nước để tắm nữa.

“Bình thường ngày nào chúng tôi cũng vào đập Mộc Khương để tắm. Nước trong xanh, người tắm rất đông. Không chỉ Kỳ Trinh mà dân Kỳ Lợi cũng vào đây tắm. Nhưng hai hôm nay, không ai dám vào đó nữa. Hết biển giờ lại đến nước ngọt, có ai khổ như chúng tôi không?”, đứng bên bờ đập Mộc Khương, ông N. buồn rầu nói.

Theo ông N., không chỉ lo lắng về nguồn nước tắm, mà từ khi xảy ra sự việc, người dân lo lắng cả nước ăn hàng ngày. Hầu hết bà con ở đây đều sử dụng nước giếng khoan. Dù không ai dám nghĩ đến cảnh những chất độc trong chất thải thẩm thấu vào nguồn nước nhưng đây là nỗi lo lớn của bà con.

“Đời chúng tôi cũng chả còn sống được mấy, nhưng lo cho đời con, đời cháu sau này. Không biết, chúng sẽ sống ra sao với môi trường như vậy”, bà L. thở dài nói.

Lãnh đạo phường Kỳ Trinh cũng thừa nhận, hai hôm nay người dân không dám đến đập Mộc Khương để tắm hoặc đánh cá vì lo lắng.

Khi con voi chui lọt lỗ kim

Đem những bức xúc, lo lắng của người dân phường Kỳ Trinh, chúng tôi đến gặp lãnh đạo của phường này. Ông Trương Công Bình, Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Trinh, cho biết, là người con sinh ra và lớn lên ở Kỳ Trinh, từng chăn trâu cắt cỏ bên bờ đập Mộc Khương, ông rất đau lòng và buồn về điều đó.

Ông Bình thừa nhận trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để hàng trăm tấn chất thải chôn trên địa bàn mình mà không hề hay biết. “Giả sử, đó không phải là chất thải mà là chất độc hóa học, chất nổ, bom mìn… thì điều gì sẽ xảy ra? Họ làm cả tháng như vậy mà chính quyền không ai biết. Dân làm một cái chuồng gà, cơi nới cái nhà cán bộ còn biết, vậy sao cả chục xe tải với máy móc đào bới, chôn lấp như vậy mà không ai hay?”, Bí thư Đảng ủy phường Kỳ Trinh nói.

Cũng theo ông Bình, trong tối qua, rất nhiều đảng viên lão thành, cán bộ lão thành trên địa bàn đã đích thân đến nhà riêng của ông để chia sẻ bức xúc. “Nếu trong vài ngày tới, mưa xuống, chất thải thẩm thấu vào đất, vào nước thì ai sẽ phải chịu trách nhiệm trước sức khỏe của dân? Dân họ hỏi tôi như vậy đấy”, ông Bình chia sẻ.
img_7625.JPG
 Đập Mộc Khương nay vắng bóng người tắm, đánh cá vì lo sợ chất thải độc hại ở trang trại Hòa Xá ngấm vào nguồn nước. Hình khoanh tròn là nơi chôn hơn 100 tấn chất thải của Formosa (ảnh Hà Khê)
Theo vị Bí thư này, trách nhiệm của chính quyền phường Kỳ Trinh trong vụ việc này là rất lớn, cán bộ quan liêu, thiếu trách nhiệm nên mới để xảy ra một sự việc tày trời như vậy. “UBND phường hợp đồng với 10 thanh niên, đưa họ vào đội cơ động để bảo vệ trị an. Trả lương cho họ đấy, vậy mà sự việc diễn ra cả tháng trời, không thấy bóng dáng nào của đội cơ động. Đến giờ, có cán bộ của phường còn chưa vào đó để xem xét, kiểm tra đâu”, ông Bình bức xúc nói.

Chính vì thế, ngay trong sáng nay 13/7, ông Bình đã có chỉ đạo Chủ tịch UBND và các bộ phận liên quan lập tờ trình, báo cáo chi tiết về vụ việc này.

Sáng sớm 13/7, PV PNVN có mặt tại trang trại Hòa Xá, nơi chôn hơn 100 tấn chất thải của Formosa. Theo quan sát của PV, số chất thải được đào lên từ hôm qua đã không còn. Xung quanh hiện trường, không có bóng dáng nào của cơ quan chức năng.
13682455_1739575742997596_1835399305_o.jpg
 Chất thải tại trang trại Hòa Xá đã được chôn lấp trở lại để chờ ngày di dời. (ảnh Hà Khê)
Thế nhưng, khi PV gọi điện cho ông Trần Đàn, Chủ tịch UBND phường Kỳ Trinh, ông Đàn cho hay, ông đang bảo vệ hiện trường. Giải thích về số chất thải được đào lên nhưng nay không thấy, ông Đàn cho hay, hiện đã chôn trở lại để chờ quyết định của cơ quan chức năng.

“Chúng tôi đã đề nghị các cơ quan liên quan, tối đa trong vòng 1 tuần phải di dời hết toàn bộ chất thải này ra khỏi trang trại và khỏi địa bàn phường”, ông Đàn quả quyết.

Trong một diễn biến khác, ông Phạm Văn Hùng, Trưởng Phòng TN&MT thị xã Kỳ Anh, cho biết, việc Formosa ký hợp đồng với công ty Môi trường đô thị thị xã Kỳ Anh do ông Lê Quang Hòa làm giám đốc để vận chuyển, xử lý chất thải là không đúng. Quá trình vận chuyển chất thải, Formosa đã không giám sát việc xử lý đúng quy định.

Theo ông Hùng, các cơ quan chức năng kiểm tra hồ sơ công ty ông Hoà thì phát hiện không có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải công nghiệp. “Sở TN&MT đã ban hành danh mục các đơn vị được xử lý chất thải công nghiệp, không có công ty này. Và việc ông Hoà phát ngôn rằng không nguy hại nên cho sử dụng chôn lấp để trồng cây là không đúng. Các chất thải này phải được xử lý theo quy định, công ty ông Hoà không có chức năng vận chuyển, xử lý, nên việc có chôn lấp tại bãi xử lý của công ty cũng không được”, ông Hùng nói.
PNVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm