Gà ở ĐBSCL có biểu hiện “nghiện” kháng sinh?

16/11/2017 - 17:17
Khảo sát 208 trang trại gà ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, một nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford kết luận: Trung bình một con gà thịt dùng 470 mg kháng sinh.

Sau khi khảo sát về thực trạng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi tại 208 trang trại gà với nhiều quy mô khác nhau tại vùng ĐBSCL, đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng thuộc Đại học Oxford (đặt tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM), đã xác định lượng kháng sinh được sử dụng cho một vòng đời của mỗi con gà ở đây lên tới 470 mg - cao gấp 5-7 lần so với châu Âu. 

3.jpg
Từ khi còn rất nhỏ, con gà đã bắt đầu "làm quen" với kháng sinh

 

Trong đó, 85% thuốc kháng sinh được sử dụng trong mục đích phòng bệnh, phần lớn được cho gia cầm dùng qua đường uống. Đó là chưa kể đến lượng kháng sinh có sẵn trong nhiều sản phẩm thức ăn công nghiệp.

Tổ chức này dự đoán kháng sinh sử dụng trong chăn nuôi tại Việt Nam sẽ tiếp tục tăng thêm 157% trong vòng 20 năm (từ năm 2010 đến 2030). 

Tại Việt Nam phần lớn thức ăn chăn nuôi công nghiệp có chứa kháng sinh. Nghiên cứu cho thấy kháng sinh trong thức ăn có thể chiếm đến 25% tổng số kháng sinh dùng trong chăn nuôi gia cầm. Không chỉ sử dụng để phòng ngừa bệnh, mà kháng sinh ở đây còn được sử dụng như một giải pháp phổ biến để kích thích tăng trưởng của đàn gia cầm. 

2.jpg
Tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã khiến gà ở vùng ĐBSCL có dấu hiệu "nghiện" kháng sinh

 

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi đã khiến đàn gà ở khu vực ĐBSCL có dấu hiệu “nghiện” kháng sinh. Có nghĩa, nếu không có kháng sinh thì chúng sẽ dễ bị dịch bệnh và chậm tăng trưởng hơn hẳn so với nhóm có sử dụng kháng sinh.

Việc lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi không chỉ gây nguy hại đến bản thân những vật nuôi khi chúng có thể bị “nghiện” kháng sinh và kháng kháng sinh, mà còn gây hại không nhỏ cho con người khi ăn thịt của chúng.

Vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, cũng như gen kháng thuốc, có thể truyền từ động vật sang người thông qua tiếp xúc trực tiếp, thức ăn và môi trường. Nhờn thuốc kháng sinh đã trở thành một nguy cơ toàn cầu, hằng năm khiến 700.000 người chết. Nếu không có những hành động thiết thực thì từ năm 2050, thế giới sẽ có khoảng 10 triệu người chết do kháng kháng sinh.

4.jpg
Lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi gây nhiều tác hại lâu dài cho người tiêu dùng khi ăn thịt những con vật còn tồn dư kháng sinh

 

TS Trần Duy Khanh, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, người chăn nuôi đang sử dụng bừa bãi, vô tội vạ các loại kháng sinh, gây những hệ lụy nhức nhối với ngành chăn nuôi lẫn sức khỏe con người. “Kháng sinh bị lạm dụng để phòng bệnh, và còn dùng trong thức ăn để gây rối loạn chuyển hoá, tích nước, giúp tăng trọng. Nó có thể có lợi cho một số ít người, nhưng gây hại cho người tiêu dùng, xã hội nhiều vô kể, nhất là vấn đề nhờn kháng sinh... Tại sao trẻ em giờ dậy thì sớm? Tại sao điều trị thuốc mãi không khỏi?”- ông Khanh đặt vấn đề.

Không chỉ riêng với con gà, mà kháng sinh còn được sử dụng phổ biến trong chăn nuôi gia súc và thủy sản. Đó là một trong những nguyên nhân khiến nhiều sản phẩm của Việt Nam không xuất khẩu được qua một số thị trường nước ngoài.

Bộ NN&PTNT đã đưa ra lộ trình cấm kháng sinh kích thích tăng trưởng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản từ năm 2018. Tuy nhiên, với thói quen dùng kháng sinh vô tội vạ, trong khi việc mua kháng sinh cũng như các loại thức ăn chăn nuôi có trộn kháng sinh vẫn dễ dàng như hiện nay, thì mục tiêu thực phẩm sạch cho người tiêu dùng xem ra vẫn còn xa vời…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm