Gần 1.000 bị hại dự phiên tòa xét xử Chủ tịch Tân Hoàng Minh chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi

Nguyễn Long
19/03/2024 - 16:02
Gần 1.000 bị hại dự phiên tòa xét xử Chủ tịch Tân Hoàng Minh chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi

Rất nhiều bị hại là phụ nữ và người cao tuổi. Có người phải mang theo cả con nhỏ tới dự phiên tòa. Ảnh: Phùng Anh

Ngày 19/3, dù trời mưa và lạnh nhưng 987 bị hại trong vụ Tân Hoàng Minh đã có mặt tại TAND TP Hà Nội để theo dõi phiên xét xử. Hầu hết trong số họ là người cao tuổi và phụ nữ. Không ít người từ tỉnh xa về Hà Nội mang theo con nhỏ với lỉnh kỉnh bỉm, sữa...

Mua trái phiếu hôm trước thì hôm sau Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt

Gần 1.000 bị hại này nằm trong 6.630 nhà đầu tư đã mua phải các lô trái phiếu rởm của Tập đoàn Tân Hoàng Minh. Họ bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 8.600 tỉ đồng.

Do số lượng bị hại lớn, TAND TP Hà Nội đã bố trí một hội trường lớn cùng một khu vực dựng rạp ngoài trời để có đủ chỗ ngồi. Theo quan sát và ghi nhận của phóng viên, những bị hại trong vụ án này tới dự phiên tòa hôm nay chủ yếu là người cao tuổi và phụ nữ.

Chị Nga (40 tuổi, trú tại Nghệ An, một bị hại của vụ án) cho biết, chồng chị đi làm ăn xa, nhà lại neo người nên đã phải đưa theo con trai 4 tuổi ra Hà Nội để theo dõi phiên xử và ngóng chờ quyền lợi của bản thân. Ngoài giấy tờ liên quan đến vụ án, người phụ nữ kéo theo chiếc vali, bên trong là quần áo, bỉm, sữa, đồ ăn vặt cho con.

Kể về quá trình trở thành nhà đầu tư của lô trái phiếu do Tập đoàn Tân Hoàng Minh phát hành, chị Nga nói có bạn thân làm việc trong tập đoàn này. Tháng 4/2022, người bạn tha thiết nhờ mua trái phiếu để "chạy chỉ tiêu". Chị cả nể nên đồng ý, rút tiền tiết kiệm 150 triệu đồng mua trái phiếu kỳ hạn một tháng.

Chị Nga mua hôm trước thì hôm sau, cha con chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị khởi tố, bắt tạm giam. Chị còn chưa kịp lấy hợp đồng, chứng từ mua trái phiếu.

Gần 1.000 bị hại dự phiên tòa xét xử Chủ tịch Tân Hoàng Minh chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi- Ảnh 1.

Nhiều bị hại trong vụ án đã đến làm thủ tục vào theo dõi phiên tòa. Ảnh: Phùng Anh

Chỉ mong lấy lại được tiền

Chị Nga cho biết, số tiền bị chiếm đoạt bằng khoảng 25 tháng lương kế toán của mình. Ban đầu, chị rất hoang mang vì không biết có lấy lại được hay không. Đến nay, biết các bị cáo đã nộp lại tiền đủ để khắc phục toàn bộ hậu quả, chị thấy an tâm phần nào, mong sớm được trả lại tiền.

Một bị hại khác là chị Hồng (46 tuổi, Nghệ An) cho biết, vào cuối tháng 3/2022, chị được cháu gái làm tại tập đoàn Tân Hoàng Minh giới thiệu mua trái phiếu. Đến đầu tháng 4/2022, chị bán căn chung cư ở Hà Nội được 2,9 tỷ đồng. Sau đó, chị đầu tư 1,6 tỷ đồng để mua trái phiếu.

"Vừa mua được 2 hôm tôi nhận tin Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh bị bắt nên chưa thể lấy được hợp đồng chứng từ. Giờ tôi chỉ mong muốn lấy lại được tiền", chị Hồng nói.

Một bị hại khác là bà Phương (71 tuổi, trú tại Hà Nội) cho hay, bà biết đến trái phiếu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh thông qua giới thiệu của một nhân viên ngân hàng.

"Thấy tập đoàn hùng mạnh nên tôi tin tưởng, không do dự gì khi mua cả. Tôi đã đầu tư 500 triệu, thời gian đầu thấy có lãi nên tôi rủ thêm con ruột đầu tư thêm 2 tỷ. Giờ tôi chỉ mong nhận lại được tiền để an dưỡng tuổi già", bà Phương mong muốn.

Gần 1.000 bị hại dự phiên tòa xét xử Chủ tịch Tân Hoàng Minh chủ yếu là phụ nữ và người cao tuổi- Ảnh 2.

Vụ án lừa đảo 8.600 tỷ đồng của cha con Chủ tịch Tân Hoàng Minh có số bị hại lên đến 6.630 nhà đầu tư. Trong phiên xét xử hôm nay có gần 1.000 bị hại tới dự.

Tóm tắt vụ án

Cáo trạng xác định, đầu năm 2022, Tân Hoàng Minh nợ ngân hàng 20.000 tỷ đồng. Để giải quyết khó khăn tài chính, ông Dũng chỉ đạo con trai huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu.

Cha con ông Dũng không sử dụng pháp nhân Tân Hoàng Minh do không đủ điều kiện nên lựa chọn các công ty trực thuộc tập đoàn để phát hành, gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Soleil, Cung điện Mùa Đông. Việt và thuộc cấp liên hệ với hai công ty kiểm toán để "làm đẹp báo cáo tài chính" sao cho đủ điều kiện phát hành trái phiếu.

Các bị cáo ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hợp đồng khống như mua bán cổ phần, hợp tác đầu tư để các nhà đầu tư tin rằng trái phiếu để thực hiện dự án có thật.

Bằng cách thức trên, ba công ty phát hành hơn 9 triệu trái phiếu tổng trị giá 10.030 tỷ đồng. Tân Hoàng Minh sau đó ký các hợp đồng giả cách mua lại và chia nhỏ, bán lại cho nhà đầu tư được hơn 14.000 tỷ đồng.

Trong số này, hơn 5.000 tỷ đồng được Tân Hoàng Minh dùng để lấy người mua sau trả cho người mua trước. Do đó, số tiền các bị cáo chiếm đoạt được VKS xác định là hơn 8.600 tỷ đồng. Số tiền được tập đoàn này và các cá nhân liên quan nộp lại toàn bộ trong quá trình truy tố.

15 bị cáo bị xét xử tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản":

+ Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh;

+ Đỗ Hoàng Việt, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh (con trai bị cáo Đỗ Anh Dũng);

+ Phùng Thế Tính, nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán, Tập đoàn Tân Hoàng Minh;

+ Hoàng Quyết Chiến, quyền Phó Giám đốc Trung tâm Tài chính - Kế toán, kiêm Giám đốc Ban Tài chính - Kế toán, Tập đoàn Tân Hoàng Minh;

+ Lê Thị Mai, nguyên Phó trưởng Ban Nguồn vốn, Tập đoàn Tân Hoàng Minh;

+ Vũ Lê Vân Anh, Phó Giám đốc Ban Nguồn vốn, Tập đoàn Tân Hoàng Minh;

+ Nguyễn Văn Khẩn, Phó Trưởng phòng Ngân sách Trung tâm Tài chính - Kế toán, Tập đoàn Tân Hoàng Minh;

+ Lê Văn Thịnh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh;

+ Trần Hồng Sơn, Phó Tổng Giám đốc, Tập đoàn Tân Hoàng Minh;

+ Nguyễn Khoa Đức, Trợ lý Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Giám đốc Công ty Cung điện Mùa Đông;

+ Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Ngôi Sao Việt;

+ Bùi Thị Ngọc Lân, nguyên Giám đốc Công ty Kiểm toán Nam Việt - Chi nhánh phía Bắc;

+ Lê Văn Dò, Tổng Giám đốc Công ty Kiểm toán và Kế toán Hà Nội;

+ Phan Anh Hùng, nguyên Phó Giám đốc Công ty CPA Hà Nội Chi nhánh Sài Gòn;

+ Nguyễn Thị Hải, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty CPA Hà Nội.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm