Gần 30 năm chịu cảnh mắt mờ, người phụ nữ nhìn thấy ánh sáng vì nhận được giác mạc

07/12/2018 - 11:00
Cả hai mắt bà Lê Thị Châm bị mờ từ năm 20 tuổi và phải chịu đựng gần 30 năm. Thế nhưng, nhờ giác mạc của người hiến, bà Châm đã nhìn thấy như những người bình thường.

Trước khi ra đi, bác sĩ Vũ Thị Thoa (BV 19/8) đã kịp đăng ký hiến tạng. Thế nhưng, căn bệnh đã tàn phá cơ thể khiến chị chỉ có thể hiến tặng giác mạc.

Ngày 30/8/2016, bác sĩ Thoa qua đời vì căn bệnh ung thư vú sau 20 năm chống chọi. Sau khi bác sĩ qua đời và được người nhà đồng ý, Ngân hàng Mắt đã lấy giác mạc rồi ghép cho hai người khác. Và bà Lê Thị Châm (52 tuổi, huyện Thanh Liêm, Hà Nam) đã may mắn nhận được giác mạc của bác sĩ Thoa.

Chia sẻ với PNVN, bà Châm cho biết, năm 20 tuổi cả hai mắt đã phát hiện bị mờ. Sau đó, bà đã đến nhiều nơi ở Hà Nam để điều trị. Đến cơ sở y tế nào, bà cũng được thông báo bị đau mắt. Thế nhưng, chữa mãi hai mắt vẫn không khỏi, nhìn mờ mờ.

Do điều kiện kinh tế khó khăn, bà không có điều kiện lên BV tuyến TƯ để điều trị. Bà đành chấp nhận để mắt mờ như vậy suốt nhiều năm. “Căn bệnh đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của tôi. Nhiều lúc, tôi nhìn vật này hóa vật kia hoặc khi di chuyển thì bước hụt suýt ngã”, bà chia sẻ.

a2.jpg
Bà Lê Thị Châm chia sẻ với PNVN

Năm 2015, khi kinh tế đã ổn hơn một chút, người nhà quyết định đưa bà đến BV Mắt TƯ thăm khám. Bác sĩ cho biết, chỉ có ghép giác mạc thì mắt bà mới có thể nhìn thấy bình thường trở lại. “Bác sĩ động viên, bảo tôi về hỏi gia đình, người thân xem có ai qua đời thì xin giác mạc. Thế nhưng, chẳng có ai đồng ý hiến”, bà chia sẻ.

Được sự tư vấn của bác sĩ, bà đã đăng ký ghép giác mạc.

Sau một tháng đăng ký, một ngày đầu tháng 9/2016 bà nhận được điện thoại từ Ngân hàng Mắt TƯ, thông báo đã có giác mạc người hiến và đề nghị bà đến BV để thực hiện phẫu thuật.

Sau khi làm thủ tục, bà đã được ghép giác mạc ở mắt trái. Chi phí cho ca phẫu thuật chỉ hết có 2 triệu đồng bởi bà thuộc diện được BHYT chi trả.

Sau phẫu thuật, bà cũng nhiều lần dò hỏi tìm địa chỉ người hiến để cảm ơn. Bà có hỏi bác sĩ ở BV Mắt TƯ nhưng không ai nói hoặc bảo là gửi từ bên Mỹ về. Mãi đến năm 2017, qua một cơ quan truyền thông, bà mới biết người hiến là bác sĩ Thoa. “Tôi đã gọi điện và gặp con trai bác sĩ đã hiến giác mạc. Tôi xin đến nhà riêng để thắp nén hương cho bác sĩ nhưng người nhà luôn cáo bận. Đến nay, tôi vẫn chưa thực hiện ước nguyện ấy”, bà Châm chia sẻ.

Ông Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc BV Mắt TƯ cho biết, tại Việt Nam, mỗi năm số người bị mù do bệnh giác mạc lại tăng thêm 15.000 người. Nguyên nhân là do viêm loét, chấn thương mắt, loạn dưỡng di truyền, những biến chứng sau phẫu thuật mắt,… Bệnh nhân chỉ có phương pháp điều trị duy nhất là phẫu thuật ghép giác mạc. Tuy nhiên, giác mạc cần phải được hiến tặng nên số lượng người được ghép không nhiều.

Theo thống kê từ năm 2007 đến năm 2018, cả nước có trên 35.000 đăng ký hiến tặng giác mạc, trong đó đã có 494 người tặng giác mạc sau khi qua đời. Hiện danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc gần 1.000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm