pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gần 300 phần quà tặng người già neo đơn, người khuyết tật ở TPHCM

Cô Nguyễn Thị Hạnh nhận quà từ chương trình
Chiều ngày 10/5, tại TPHCM, Doanh nghiệp xã hội - Công ty Cổ phần Cộng đồng Quỹ từ thiện và bảo trợ xã hội Vầng Trăng Khuyết (gọi tắt là Doanh nghiệp xã hội Vầng Trăng Khuyết) tổ chức chương trình thông tin về kết quả hoạt động thiện nguyện năm 2024 và kế hoạch thiện nguyện năm 2025; trao quà cho các hoàn cảnh khó khăn, người neo đơn, khuyết tật.
Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao tặng gần 300 phần quà, mỗi phần trị giá 500.000 đồng, gồm gạo, các nhu yếu phẩm và 200.000 đồng tiền mặt. Dù giá trị vật chất không lớn nhưng những món quà ấy chứa đựng sự quan tâm, sẻ chia đầy yêu thương.
Trong không khí ấm áp của chương trình, những cụ già không nơi nương tựa, người bị bệnh hiểm nghèo, những người khuyết tật mưu sinh bằng nghề bán vé số, nhặt ve chai, bán hàng rong… đã có dịp gặp gỡ, trò chuyện và sẻ chia những nỗi niềm. Họ cùng nhau lắng nghe những giai điệu tích cực từ chương trình văn nghệ với chủ đề "60 năm cuộc đời", cùng nhau đón nhận những món quà thiết thực mang về. Giữa những nhọc nhằn thường nhật, buổi gặp gỡ là khoảng lặng hiếm hoi giúp mọi người tạm quên đi những lo toan, tìm được sự đồng cảm và lan tỏa niềm ấm áp của tình người.
Tham gia tại chương trình, cô Nguyễn Thị Hạnh (phường 1, quận Gò Vấp, TPHCM) có dáng người gầy guộc, gương mặt khắc khổ. Khi được mời đến dự và nhận quà từ chương trình, cô Hạnh không giấu được niềm vui. Cô chia sẻ: cô hiện sống chung với anh chị em bên gia đình chồng. Chồng cô, năm nay đã 85 tuổi, bị tai biến và nằm liệt giường suốt nhiều năm qua. Vợ chồng cô chỉ có một người con gái đang làm hộ lý tại bệnh viện. Kinh tế gia đình hết sức khó khăn.
"Tôi tranh thủ gửi chồng ở nhà để lên đây nhận quà, lòng thì cứ thấp thỏm vì sợ ông ấy không nằm yên, lỡ lăn ngã thì khổ. Bao năm nay chỉ có một mình tôi chăm sóc ông, nên cũng không đi làm gì được. May nhờ chính quyền địa phương thấu hiểu hoàn cảnh, thường xuyên ưu tiên cho tôi nhận quà, hôm nay đến nhận quà từ chương trình Vầng trăng khuyết, tôi rất biết ơn và cảm động", cô Hạnh bày tỏ.
Cùng đến tham dự tại chương trình, chú Đặng Văn Thông hiện đang trú tại quán trọ "Sài Gòn bao dung" quận Tân Bình, TPHCM - quán trọ do Doanh nghiệp xã hội Vầng Trăng Khuyết quản lý - cho biết: Quê chú ở Đồng Tháp. Mồ côi từ nhỏ, không có gia đình bên cạnh, chú phải tự bươn chải, mưu sinh khắp nơi từ thời trẻ.Năm 2021, chú bị tai biến và được đưa lên Sài Gòn điều trị. Bao nhiêu tiền tích góp đều cạn kiệt vì chi phí quá cao. Sau cơn thập tử nhất sinh, chú bị liệt nửa thân trên, không thể lao động như trước. May mắn thay, chú được Doanh nghiệp xã hội Vầng Trăng Khuyết dang tay giúp đỡ và cưu mang.
"Ở quán trọ, mọi sinh hoạt từ ăn uống, chỗ ngủ đến khi đau ốm đều được mọi người và Vầng Trăng Khuyết quan tâm, hỗ trợ. Ban ngày tôi đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập, lo cho các chi tiêu cá nhân. Mọi người trong trọ sống chan hòa, ai còn sức thì đi bán vé số, ai yếu hơn thì làm việc nhẹ, phụ giúp lẫn nhau. Nếu không có quán trọ này, tôi thật sự không biết cuộc đời mình rồi sẽ ra sao", chú Thông xúc động chia sẻ.

Các cô chú có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, người khuyết tật cùng tham gia chương trình giao lưu văn nghệ.
Ông Đỗ Lương Đại Nam, người sáng lập Doanh nghiệp xã hội Vầng Trăng Khuyết, cho biết: Bên cạnh chương trình trao quà hôm nay, Vầng Trăng Khuyết còn tổ chức rất nhiều hoạt động thiện nguyện khác. Cụ thể, năm 2024, Vầng Trăng Khuyết đã tiếp nhận hơn hơn 4,7 tỷ đồng từ các cá nhân, tổ chức. Qua đó, đã tổ chức nhiều hoạt động nổi bật như: trao 500 tấn hàng thực phẩm và nhu yếu phẩm cứu trợ đến 10 tỉnh thành phía Bắc tại dự án Trăng Yagi; hỗ trợ 50 trẻ em tham gia lớp học xóa mù chữ cho trẻ em ở làng bè Trị An (Đồng Nai); xây 2 căn nhà tình thương cho người già…
Doanh nghiệp xã hội Vầng Trăng Khuyết đã tổ chức nấu hơn 15.000 suất ăn cộng đồng tại 13 mái ấm; tổ chức 53 chuyến tìm kiếm và hỗ trợ người vô gia cư; gần 510 mảnh đời được hỗ trợ định kỳ trong dự án "Tiếp sức mưu sinh"; 60 cụ già được hỗ trợ toàn phần tại các quán trọ và mái ấm liên kết; 2 quán trọ luôn sáng đèn để hỗ trợ người già vô gia cư và phụ nữ bầu cơ nhỡ.