pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM viết câu chuyện đẹp giữa đời thường
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội LHPN TPHCM (thứ tư, từ trái sang) tri ân những tập thể, cá nhân có đóng góp tiêu biểu.
Đây là dịp để Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến những tấm lòng vàng đã đồng hành cùng Hội và cùng nhìn lại chặng đường đã qua, tổng kết những thành quả đạt được, đề ra những mục tiêu mới cho tương lai.
Theo báo cáo tại chương trình, trong 35 năm qua, Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM đã vận động được hơn 225,6 tỷ đồng, triển khai nhiều chương trình, hoạt động giúp người già neo đơn, các hộ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ khuyết tật có điều kiện ổn định cuộc sống, góp phần cùng nhà nước thực hiện an sinh xã hội với nhiều chương trình như:
Chương trình Cứu trợ xã hội được thực hiện theo phương châm "Người có giúp người khó". Chương trình nhận được sự chung tay đóng góp của chị em hội viên và mạnh thường quân với số tiền hơn 63,9 tỷ đồng. Số tiền này được Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM thực hiện hoạt động bảo trợ thường xuyên cho các cụ già neo đơn từ 70 tuổi trở lên và trẻ khuyết tật trên địa bàn TPHCM; tổ chức "Bữa ăn dinh dưỡng cho người già nghèo",
tổ chức khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho 12.465 người già nhân ngày Quốc tế Người cao tuổi 1/10; tổ chức chương trình "Tết yêu thương" hàng năm. Tổ chức chương trình "Vì người nghèo và trẻ em vùng cao với các hoạt động như xây dựng nhà lưu trú, nhà vệ sinh, giếng khoan, phòng y tế, sân chơi, tặng quà cho các hộ nghèo, học sinh DTTS khó khăn tại các trường tiểu học ở tỉnh Đăk Nông, Đắk Lăk…; hưởng ứng chương trình Vì người nghèo" của UBND TPHCM; Cứu trợ đột xuất đồng bào bị thiên tai; hưởng ứng Quỹ "Chung một tấm lòng" mua Vaccine Covid 19…
Với chương trình trẻ em, từ năm 1998 đến nay, Hội nuôi dạy hơn 2.100 lượt trẻ mồ côi cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 7 Mái ấm (từ 6 tuổi đến 18 tuổi) và 1 Nhà Hội nhập xã hội nghề nghiệp nữ. Các mái ấm gồm: Mái ấm Ánh Sáng (thành lập năm 1994), mái ấm Bà Chiểu (năm 1996), mái ấm Hướng Dương (năm 1998), mái ấm Bình Minh (1998), mái ấm Ga Sài Gòn (2005), mái ấm Hoa Sen (năm 2007), mái ấm Tân Bình (năm 2011). Đến nay, nhiều trẻ được chăm sóc, nuôi dạy trong các mái ấm đã trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống riêng, ổn định, nuôi dạy con ngoan, gia đình hạnh phúc.
Tham dự buổi họp mặt, em Nguyễn Thiên Trường (Mái ấm Ánh Sáng, Quận 3) chia sẻ: Ba mẹ em bỏ rơi từ nhỏ, em sống với ông bà ngoại. Vì hoàn cảnh khó khăn nên học tới lớp 5 Trường đã phải nghỉ học. Trong một lần tình cờ, em được một cô giới thiệu vào mái âm nên em được đi học đến bây giờ. Hiện nay, Trường đã là học sinh lớp 10.
"May mắn là em được đi học và được trải nghiệm nhiều thú vị trong cuộc sống. Nếu em không được vào mái ấm, có lẽ bây giờ em sẽ đi làm thuê, làm mướn đâu đó rồi", em Trường chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM chia sẻ: "Qua những hoạt động chung của Hội, tôi càng nhận thấy rõ vai trò quan trọng của người phụ nữ, dù là phụ nữ đương chức hay về hưu ai cũng có thể đóng góp.
Sau khi về hưu, chúng tôi tìm về ngôi nhà chung của Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM để tiếp tục cống hiến, làm những việc có ý nghĩa. Trong suốt 35 năm qua, hội viên đã cùng nhau thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, từ các tỉnh Tây Nguyên đến đồng bằng sông Cửu Long, chăm sóc cho người già neo đơn, trẻ em khuyết tật và phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn".
Bà Trần Thị Phi Yến, Trưởng Ban Gia đình - Xã hội Hội LHPN TPHCM đánh giá: Trong thời gian qua, Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM đã phối hợp chặt chẽ với Hội LHPN TPHCM để huy động nguồn lực, chăm lo cho hội viên phụ nữ và trẻ em khó khăn trên địa bàn thành phố.
Đặc biệt, 7 mái ấm do Hội quản lý đã nuôi dưỡng và chăm sóc hơn 800 trẻ em. Nhiều em sau khi rời khỏi mái ấm đã có cuộc sống ổn định và trở thành những tấm gương sáng, tích cực đóng góp cho cộng đồng. Điều này không chỉ khẳng định sự quan tâm, chăm sóc chu đáo của Hội mà còn tạo động lực cho các em tự tin vươn lên trong cuộc sống.