pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN TPHCM: Tri ân những người vợ thương binh
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân (bìa phải), Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, tặng quà cho các dì, các chị là vợ thương binh hạng nặng.
Những người vợ tảo tần
Sau những năm tháng chiến tranh ác liệt, các anh, các chú thương binh trở về với nhiều bệnh tật, đau đớn về thể xác, nhưng họ được bù đắp bởi tình yêu thương của những người vợ giàu đức hy sinh, tảo tần, chịu thương chịu khó.
Cô Dương Thị Hà (phường Thạnh Lộc, Quận 12, TPHCM) là vợ của chú Dương Đình Tấu (thương binh hạng 2/4). Cô Hà cho biết: Chồng cô ngày xưa là một chiến sĩ đặc công Sài Gòn- Gia Định. Ngày cô Hà quyết định kết hôn cùng chồng, gia đình ra sức ngăn cản. Thế nhưng, bằng tình yêu, tình thương và sự tự hào ngưỡng mộ, cô vẫn quyết tâm trở thành vợ của người thương binh ấy.
Cô Hà bộc bạch: "Ban đầu, chồng tôi là chiến sĩ đặc công, sau này chồng tôi tiếp tục tham gia chiến trường ở Campuchia. Năm 1980 anh trở về với 2 tay 2 nạng, các con tôi lúc đó cũng còn rất nhỏ, gia đình tôi vô cùng khó khăn. Nhiều hôm, tôi phải thức trắng đêm để chăm sóc anh lúc "trái gió trở trời. Tôi vừa gồng gánh lo chồng, lo con, lo đi làm ở cơ quan nhà nước. Vất vả là thế nhưng tôi tự thấy mình vẫn còn rất may mắn. Bởi vì, có nhiều chị đã mất chồng mãi mãi, nhiều người chồng hy sinh và nằm lại chiến trường không tìm thấy".
Giờ đây, gần 50 năm hôn nhân, vợ chồng cô vẫn "lửa nồng hương đượm", con cái có công ăn việc làm ổn định, cuộc sống khấm khá. Cô Hà cho biết: "Vượt qua nhiều gian khó, tôi luôn đồng hành cùng chồng và trở thành "cái nạng" thứ 3 của anh. Ngoài tình yêu, tôi còn dành cho anh một sự ngưỡng mộ, tự hào vì chồng tôi là chiến sĩ đặc công. Mặc dù anh không kể nhiều, nhưng mỗi khi gặp đồng đội, bạn bè, tôi biết được anh rất dũng cảm, đi đầu trong chiến đấu. Thời trẻ anh đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu để góp phần mang đến sự bình yên cho tổ quốc thì hôm nay, tôi càng phải chăm sóc, bù đắp cho anh".
Cô Ngô Thị Khỏi (73 tuổi, Củ Chi, TPHCM) là thương binh 3/4, chồng cũng là thương binh hạng 2/4. Vì hiểu và thương nên sau khi đất nước giải phóng, cô vẫn quyết định kết hôn với người bạn đời cũng là thương binh. Điều đặc biệt, gia đình cô Khỏi là gia đình truyền thống cách mạng, khi cha, anh và em trai đều là liệt sỹ, mẹ là Mẹ Việt Nam anh hùng, cô và chồng là thương binh.
Cô Khỏi nhớ lại: "Cô tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, lúc đó tham gia công tác thiếu nhi. Sau này cô tham gia công tác thanh niên. Cô tham gia nhiều công việc như tải đạn, tải lương thực, nắm thông tin thông báo cho bộ đội của ta… Trong một lần cô đi thông báo tin tức cho du kích thì bị trúng đạn và bị thương. Cô từng bị địch bắt, trải qua nhiều hình thức tra tấn dã man và cũng bị bỏ tù. Còn chồng cô cũng là thương binh, anh bị thương trong lúc đi đặt bom. Vì hiểu vì thương nên vợ chồng cô đã đến với nhau. Thời xưa cực khổ lắm, làm vợ thương binh lại càng khổ. Chồng cô bị cụt 1 tay nhưng anh ấy giỏi lắm, người đủ 2 tay làm được công việc gì là anh cũng làm được, từ cày cuốc, đến chăm sóc gia đình. Vậy nên cô rất khâm phục nghị lực của chồng mình. Còn cô làm đủ công việc như trồng cấy, đạp lúa mướn…để kiếm sống. Không lùi bước, vợ chồng cố gắng nắm tay vượt qua, cùng nuôi 7 người con nên người".
Tri ân những người vợ thương binh
Trong những ngày tháng 7 - tháng tri ân những người góp phần mang đến sự bình yên cho Tổ quốc, Hội LHPN TPHCM trang trọng tổ chức Họp mặt các dì, các chị là vợ của thương binh, hiện đang chăm sóc chồng là thương binh nặng, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, ngày 30/7.
Chương trình đã dành nhiều thời gian để tri ân những người đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đặc biệt là tri ân các mẹ, các dì không chỉ động viên chồng con đi kháng chiến mà còn trực tiếp tham gia vào cuộc đấu tranh sinh tử với kẻ thù; tri ân nhiều tấm gương vợ thương binh cùng gia đình đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn, tận tụy chăm sóc chồng, phụng dưỡng cha mẹ già, nuôi dạy con, cháu trưởng thành, đồng thời tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội.
Tại chương trình, các những người vợ thương binh cùng chia sẻ những cảm xúc, những câu chuyện đời thường nhưng rất đỗi thiêng liêng, cao quý. Họ đều là những người phụ nữ tảo tần, chịu thương chịu khó và có trái tim nhân hậu.
Phát biểu tại chương trình, bà Trần Thị Phương Hoa, Phó Chủ tịch Hội LHPN TPHCM, cho biết: Chương trình Họp mặt vợ thương binh nặng hôm nay là dịp bày tỏ lòng biết ơn của cán bộ, hội viên và phụ nữ thành phố đối với với các đồng chí, các mẹ, các chị đã viết nên thiên anh hùng ca bất diệt, là dịp ôn lại những ký ức hào hùng vẻ vang của dân tộc, đồng thời giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ tích cực tham gia xây dựng đất nước, thành phố ngày càng giàu đẹp, văn minh, nghĩa tình. Từ những câu chuyện xúc động, những người vợ thương binh nặng, những tấm gương bình dị mà cao cả đã góp phần lan tỏa tình yêu thương, nhân ái trong xã hội.
Dịp này, Hội LHPN TPHCM đã tặng 100 phần quà (gồm 2 triệu tiền mặt và quà) cho các dì, các chị là vợ của thương binh hạng nặng 1 và 2.