Gần 3000 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số

H.Y
13/06/2023 - 17:15
Gần 3000 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số

Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh chủ trì hội nghị

Ngày 13/6, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội nghị rà soát tiến độ và hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai dự án 8 "Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến tại 350 điểm cầu ở các tỉnh thành, huyện.

Tại hội nghị, bà Lò Thị Thu Thuỷ, Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam cho biết, tính đến 30/5/2023, các tỉnh, thành thuộc địa bàn triển khai Dự án 8 đã thành lập 2.854/9000 Tổ truyền thông cộng đồng (đạt 32% chỉ tiêu giai đoạn I), 366/1.800 CLB "Thủ lĩnh của sự thay đổi" (đạt 20% chỉ tiêu giai đoạn I), 20/500 tổ nhóm sinh kế do phụ nữ làm chủ/tham gia quản lý (đạt 4% chỉ tiêu giai đoạn I), 388/1.000 địa chỉ tin cậy (đạt 39% chỉ tiêu giai đoạn I), 154/4.400 cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản (đạt 3.5% chỉ tiêu giai đoạn I), 283/1.600 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát và đánh giá về bình đẳng giới cho cán bộ thôn bản (đạt 18% chỉ tiêu giai đoạn I), 96/480 cuộc tập huấn lồng ghép giới cho cán bộ huyện xã (đạt 20% chỉ tiêu giai đoạn I), 192/1.600 cuộc tập huấn nâng cao năng lực lồng ghép giới cho cán bộ cấp thôn, bản (đạt 12% chỉ tiêu giai đoạn I).

Gần 3000 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Bà Lò Thị Thu Thuỷ, Trưởng ban Dân tộc Tôn giáo, TƯ Hội LHPN Việt Nam báo cáo tại hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Lò Thị Thu Thủy cho biết, vẫn còn một số vướng mắc trong việc thực hiện Dự án. Đó là, công tác phối hợp và cách hiểu chưa thống nhất giữa Hội LHPN tỉnh với các sở, ngành liên quan, gây khó khăn/chậm trễ trong việc tổ chức thực hiện.

Việc củng cố, thành lập mới Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản đang tạm dừng triển khai để tham vấn các bộ, ngành chuyên môn và nghiên cứu tìm mô hình phù hợp, giải pháp thay thế đảm bảo pháp lý theo quy định hiện hành.

Việc hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số xây dựng mô hình sinh kế, phát triển kinh tế, đặc biệt là sinh kế gắn với ứng dụng khoa học công nghệ còn gặp nhiều khó khăn.

Việc phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức trong giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong chương trình còn gặp những hạn chế nhất định…

Gần 3000 tổ truyền thông cộng đồng được thành lập thúc đẩy bình đẳng giới cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Quang cảnh hội nghị ngày 13/6

Kết luận hội nghị, Uỷ viên dự khuyết TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh đánh giá, việc triển khai thực hiện Dự án 8 nói riêng và chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói chung đã và đang nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp. Hầu hết các cấp Hội đã chủ động, nỗ lực thực hiện Dự án 8 và các chỉ tiêu chính của Dự án đã đạt được một số kết quả bước đầu trong bối cảnh vẫn còn có những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình. Các hoạt động của Dự án 8 bước đầu tác động đến đời sống của phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi và nhận được sự quan tâm của nhân dân.

Các đại biểu đến từ Hội LHPN tỉnh, thành đóng góp ý kiến

Phó Chủ tịch Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh, trong thời gian tới, các đơn vị triển khai cần tiếp tục tham vấn các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực liên quan; Tiếp tục đề xuất ký kết phối hợp với các bộ ngành, sở ngành để sức mạnh được phát huy và triển khai dự án một cách hiệu quả, mang đến những giá trị thực tiễn cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Đặc biệt, cần chú trọng và tổ chức thật tốt hai cuộc thi "Lắng nghe con nói" với chủ đề "Gia đình hạnh phúc", Hội thi tìm hiểu luật phòng chống bạo lực gia đình nhằm nâng cao nhận thức, phát huy vai trò và sự tham gia của trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái trong các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, góp phần xây dựng môi trường an toàn để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc, phát triển toàn diện trong môi trường gia đình; đồng thời, phát hiện những vấn đề đặt ra về bình đẳng giới trong gia đình, trang bị kiến thức cũng như tuyên truyền về công tác phòng chống bạo lực gia đình, trên cơ sở đó thiết kế nội dung, hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động, nâng cao nhận thức phù hợp với thực tiễn, đối tượng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm