Gần 50 ngàn người lao động bị 'xù' tiền BHXH

25/01/2019 - 16:35
Hàng chục ngàn người lao động phải chịu nhiều thiệt thòi khi chủ sử dụng lao động không đóng hoặc chỉ đóng 1 phần BHXH, BHYT.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, trong năm 2018, toàn ngành BHXH đã thanh tra chuyên ngành tại hơn 8 ngàn đơn vị, doanh nghiệp và kiểm tra tại hơn 9 ngàn đơn vị. Cùng với đó, thanh kiểm ta liên ngành tại hơn 5 ngàn đơn vị doanh nghiệp và phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Qua đó phát hiện 44.460 lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng chưa tham gia hoặc đóng thiếu thời gian; 47.393 lao động đóng thiếu mức quy định.

Theo quy định, tỷ lệ tiền lương để trích đóng BHXH tổng cộng là 32%, thì chủ sử dụng lao động có trách nhiệm nộp vào quỹ hưu trí tử tuất, ốm đau, thai sản, BH thất nghiệp, tai nạn lao động khoảng 21,5%. Còn người lao động trích đóng tiền lương vào các quỹ này khoảng 10,5%.

Như vậy, cũng đồng nghĩa gần 50 ngàn lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp nhưng không tham gia BHXH bắt buộc, vì chủ sử dụng lao động “xù” tiền đóng BHXH.

Theo BHXH Việt Nam, qua quá trình thanh kiểm tra nói trên đã thu được hơn 1,9 ngàn tỷ đồng tiền nợ đóng của các đơn vị trong và sau thanh kiểm tra.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra - Kiểm tra (BHXH Việt Nam), Công tác thanh tra chuyên ngành BHXH, BHYT, có vai trò rất quan trọng nhằm ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.

Tuy nhiên, công tác thanh tra chuyên ngành BHXH, BHYT còn nhiều khó khăn do quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này còn chưa đầy đủ; một số hành vi vi phạm chưa có quy định để xử lý.

Thẩm quyền của tổ chức BHXH về một số hành vi sai phạm chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật như: Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính khi đối tượng vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt… Chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực BHXH, BHYT chưa đủ sức răn đe, một số đơn vị sử dụng lao động còn coi thường pháp luật, vẫn cố tình nợ đọng kéo dài hoặc trục lợi chính sách BHXH, BHYT. 

bhxh.jpg
Tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH của chủ sử dụng lao động gây rất nhiều thiệt thòi cho lao động. Ảnh minh họa

 

Nhằm giảm bớt những hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, đại diện BHXH Việt Nam cho rằng, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT là bước quan trọng để có thể tiến tới xử lý hình sự các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật BHXH, Luật BHYT. Do đó, sẽ cần có giải pháp hữu hiệu hơn trong việc thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của ngành BHXH như: hoàn thiện quy định về công tác thanh tra, nâng cao chất lượng kết luận thanh tra và xử lý sau thanh tra…

Bộ luật Hình sự năm 2015 đã bổ sung thêm 4 tội danh liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT gồm: Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm (Điều 213); tội gian lận BHXH, BH thất nghiệp (Điều 214); tội gian lận BHYT (Điều 215) và tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động (Điều 216).

Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành từ 1/1/2018 - đã hơn 1 năm, cơ quan BHXH đã gửi gần 40 hồ sơ của các doanh nghiệp, đơn vị vi phạm nghiêm trọng liên quan tới BHXH, BHYT, sang cơ quan điều tra. Tuy nhiên, đến nay chưa có vụ án nào được khởi tố.

Theo Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, tình trạng doanh nghiệp chưa tham gia BHXH còn rất lớn. Cả nước có khoảng tới 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng chỉ có hơn 235.000 doanh nghiệp đóng BHXH cho người lao động (đạt khoảng 47%). Như vậy cũng đồng nghĩa hơn 250 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động không đóng BHXH cho người lao động.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm