Ngày 25/8, Viện Huyết học- Truyền máu TƯ đã tổ chức ngày hội đăng ký hiến tặng mô tạng. Đây là cơ sở y tế tuyến trung ương đầu tiên trong cả nước phát động và tổ chức đăng ký hiến mô tạng trong toàn thể cán bộ, nhân viên.
Tại ngày hội, đã có tổng cộng 465 cán bộ, nhân viên đang làm việc tại viện đăng ký hiến tạng. Đại diện Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia đã trao thẻ hiến tạng cho những cán bộ, nhân viên y tế đăng ký hiến tạng.
Thống kê của Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, tính đến ngày 23/7/2017, cả nước đã có 7.400 người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời. Theo GS. Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, đây là một con số quá ít. Bởi chỉ riêng BV Việt Đức, mỗi ngày có hàng chục trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, trong đó 3-5 người chết não.
“Nếu những bệnh nhân chết não này hiến tạng, thì có hàng trăm người có cơ hội được sống. Bởi một người hiến tạng có thể giúp đỡ được 7 người” bác sĩ Sơn nói.
Bác sĩ Sơn cho rằng, nguyên nhân chính khiến người dân chưa mặn mà với hiến tạng là do Việt Nam thiếu hệ thống tư vấn, đăng ký hiến tặng mô, tạng tại các BV ghép tạng, cơ sở y tế trong cả nước. Vì vậy, đã hạn chế quyền được đăng ký hiến tặng mô, tạng của công dân cũng như hiệu quả công tác truyền thông, vận động người dân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời trên cả nước thời gian qua.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, Giám đốc Viện Huyết học- Truyền máu TƯ, muốn phong trào hiến tạng lớn rộng, cần đẩy mạnh truyền thông. Cần phải truyền thông để toàn xã hội hiểu: hiến tạng là một hành động vô cùng nhân đạo. Nếu như cách đây 20 năm, hiến máu đang là gì đó kinh khủng, không ai dám hiến thì bây giờ đã thành phong trào. Vì vậy, mỗi năm đã có gần 1 triệu đơn vị máu được hiến, giúp hàng ngàn bệnh nhân có máu truyền và trở về với cuộc sống.