Gắn bó với nghề Y vì muốn mang lại tiếng cười trẻ thơ đến mỗi gia đình

An Khê
26/02/2022 - 06:33
Gắn bó với nghề Y vì muốn mang lại tiếng cười trẻ thơ đến mỗi gia đình

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thành Trung (giữa) thực hiện chuyển phôi cho bệnh nhân

Làm trong ngành y đã được 10 năm, lại làm một công việc đặc thù là hỗ trợ sinh sản, thế nhưng khi bác sĩ chuyên khoa I (BSCKI) Nguyễn Thành Trung (Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội) tiết lộ nguyên nhân khiến mình theo đuổi chuyên khoa này không khỏi khiến nhiều người ngạc nhiên và cảm động.

"Tôi quyết định lựa chọn chuyên ngành hỗ trợ sinh sản bắt nguồn từ câu chuyện thuở bé. Khi mẹ tôi sinh em trai đã bị băng huyết sau sinh, máu chảy rất nhiều. Nếu khi đó không có lượng máu từ họ hàng, các cô chú trong gia đình tiếp ứng kịp thời thì có lẽ mẹ đã không còn. Chính lúc đó, tôi đã quyết tâm sau này sẽ trở thành một bác sĩ cứu người, đặc biệt là các thai phụ để mọi gia đình đều mẹ tròn con vuông, vượt cạn thành công. Lên cấp 3, tôi học chuyên Sinh nên đó cũng là nền tảng để tôi đăng ký thi Y", đó là lời chia sẻ của BSCKI Nguyễn Thành Trung.

Gắn bó với nghề vì muốn mang lại tiếng cười trẻ thơ đến mỗi gia đình - Ảnh 1.

BSCKI Nguyễn Thành Trung – Chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản

Gia đình anh, đặc biệt là mẹ, rất ủng hộ anh theo đuổi ước mơ trở thành một bác sĩ. Thật may mắn, anh đã đỗ Học viện Quân y. Suốt quá trình theo học, anh được tiếp cận với nhiều chuyên khoa, trong đó có khoa sản. Đây cũng là chuyên khoa có thời gian học dài nhất và đúng với ước mơ của anh.

Trong thời gian học tập và thực tập tại đại học, anh đã được tiếp xúc với nhiều ca bệnh, trong đó có nhiều thai phụ. Khi chứng kiến niềm vui của các gia đình và thai phụ khi chào đón đứa con khỏe mạnh, anh càng mong muốn được trở thành một bác sĩ khoa sản. Sau khi ra trường, anh có cơ duyên gắn bó với Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội từ đó cho đến nay.

Bác sĩ Trung chia sẻ, giai đoạn đầu tiên, anh thăm khám cho rất nhiều bệnh nhân, trong đó có các gia đình hiếm muộn. Được nghe những câu chuyện của các gia đình, anh nhận thấy mình rất phù hợp với chuyên ngành Hỗ trợ sinh sản, vừa thỏa mãn đam mê là một bác sĩ trong khoa sản, vừa được giúp đỡ các cặp vợ chồng đang mong con.

Trong quá trình công tác, anh đã gặp rất nhiều trường hợp khó, nguyên nhân có thể đến từ người vợ hoặc chồng. Tuy nhiên có một trường hợp mà anh ấn tượng và nhớ mãi.

"Đó là khi tôi trực tiếp điều trị cho một bệnh nhân là một điều dưỡng đang công tác tại một bệnh viện ở Hà Nội. Tuy tuổi đã cao nhưng chị vẫn chưa có con. Thêm vào đó, dự trữ buồng trứng của chị rất thấp khiến tiên lượng điều trị rất khó khăn. Trải qua quá trình điều trị, kích thích buồng trứng, số lượng trứng thu được quá ít, không đủ để tạo phôi khiến gia đình chị rất tuyệt vọng", bác sĩ cho biết.

Là một bác sĩ hỗ trợ sinh sản trực tiếp điều trị cho bệnh nhân này, anh cũng vô cùng trăn trở tìm cách làm thế nào để thu được đủ trứng và tạo phôi. Sau khi hội chẩn với khoa, anh quyết định áp dụng phương pháp gom trứng. Trứng thu được sau mỗi chu kỳ sẽ trữ lại đợi đến khi đủ sẽ rã đông và tiến hành tạo phôi. Bác sĩ Nguyễn Thành Trung đã đồng hành cùng bệnh nhân trong suốt một năm trời, không biết bao nhiêu chu kỳ, có những chu kỳ trứng không phát triển hoặc rụng trước khi chọc trứng.

Anh xúc động cho biết: "Đã có những khi chị rơi nước mắt vì tuyệt vọng nhưng cuối cùng chị vẫn quyết định kiên trì điều trị. Trải qua nhiều thăng trầm, cuối năm đó, tổng số trứng thu được là 3 noãn và tạo được 2 phôi. Sau đó, rất may mắn rằng ngay lần chuyển phôi đầu tiên, chị đã đậu thai và giờ đây đã đón bé đầu lòng sau nhiều năm mong chờ. Những năm sau này, năm nào chị cũng bế bé đến viện vừa để cảm ơn, vừa để ôn lại những câu chuyện trong suốt thời gian điều trị".

Gắn bó với nghề vì muốn mang lại tiếng cười trẻ thơ đến mỗi gia đình - Ảnh 2.

Bác sĩ Trung (bên phải) đang thăm khám và tư vấn điều trị cho bệnh nhân

Qua chia sẻ, bác sĩ Nguyễn Thành Trung cũng cho biết, có hai lý do khiến anh cảm thấy quyết định làm việc trong ngành hỗ trợ sinh sản của mình là hoàn toàn đúng đắn. Đầu tiên, đó là từ phía bệnh nhân. Mỗi ngày khi đi làm, anh được gặp, được trò chuyện với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn. Mỗi gia đình là một câu chuyện, một hoàn cảnh không ai giống ai nhưng đều chung một khao khát tìm con khiến anh mong muốn có thể giúp đỡ, đồng hành cùng họ để mọi gia đình đều có được hạnh phúc vẹn tròn.

Thứ hai, anh cũng là một người chồng, một người bố, anh hiểu rằng tầm quan trọng của đứa con trong mỗi gia đình. "Nhiều khi tôi cũng thử suy nghĩ rằng, nếu tôi cũng rơi vào hoàn cảnh như bệnh nhân, mong muốn có một đứa con nhưng mãi không thể thực hiện được. Tôi đã chứng kiến có những trường hợp đã muộn con 10 năm, thậm chí 20 năm tìm tới Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn điều trị sau khi đã điều trị rất nhiều nơi nhưng họ vẫn nắm tay nhau, kiên trì và tin tưởng rồi tình yêu của họ sẽ kết trái, rồi con sẽ về. Tôi cũng đã gặp những cặp vợ chồng đến cuối cùng đã phải rời xa nhau vì không có con bởi tôi hiểu đứa con vô cùng quan trọng trong gia đình Việt, thậm chí còn là sợi dây níu giữ hạnh phúc của hai vợ chồng. Điều này càng thôi thúc tôi cố gắng làm việc, điều trị vô sinh hiếm muộn cho các cặp vợ chồng", bác sĩ Trung chia sẻ.

Gắn bó với nghề vì muốn mang lại tiếng cười trẻ thơ đến mỗi gia đình - Ảnh 3.

Bác sĩ Trung và đồng nghiệp chụp hình cùng những "trái ngọt" được sinh ra nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản

Gắn bó và yêu nghề, bác sĩ Trung không ngừng nâng cao kiến thức, thường xuyên tham gia các hội nghị, hội thảo chuyên ngành cũng như là tác giả đồng tác giả của nhiều nghiên cứu có giá trị trong chuyên ngành để có thể giúp được nhiều bệnh nhân hiếm muộn, nhiều gia đình có thêm tiếng cười trẻ thơ. Năm vừa qua anh đã hoàn thành chương trình học Bác sĩ chuyên khoa để nâng cao kỹ năng chuyên môn cũng như trau dồi kinh nghiệm. Trong thời gian tới, anh đặt mục tiêu tham gia thêm những khóa học trong và ngoài nước để cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới và áp dụng điều trị cho bệnh nhân, nâng cao tỷ lệ thành công.

Bên cạnh mục tiêu trong việc điều trị lâm sàng, một trong những hoạt động mà bác sĩ Nguyễn Thành Trung hướng tới là nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học không chỉ giúp anh nâng cao kiến thức chuyên môn và còn giúp anh có thể ứng dụng các kỹ thuật mới đó vào điều trị cho bệnh nhân vì một kết quả tốt nhất.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm