Kết “trái ngọt” sau 14 năm hiếm muộn

Kiều Trang
18/12/2021 - 10:45
Kết “trái ngọt” sau 14 năm hiếm muộn

Vợ chồng anh Đậu Văn Dũng và chị Phạm Thị Ngọc cùng con gái Đậu Hà Lan

Gia đình thượng úy Đậu Văn Dũng và chị Phạm Thị Ngọc đã thành công đón con yêu sau gần 14 năm “tìm” con. Hai vợ chồng đã trải qua những lần thực hiện hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI), thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Hành trình hơn 1 thập kỷ "tìm con"

Về chung một nhà từ năm 2005 trong sự chúc phúc của gia đình hai bên, anh Dũng và chị Ngọc đều hy vọng sớm có "tin vui". Do đặc thù công việc, sau khi kết hôn, anh Dũng không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Tuy vậy, anh luôn cố gắng tranh thủ những khoảng thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để ở bên gia đình.

Thế nhưng, khát khao "có thêm thành viên mới" mãi chưa thành hiện thực. Sau 6 tháng kết hôn, hai vợ chồng trẻ tìm tới một bệnh viện tuyến trung ương để thăm khám. Nghe bác sĩ chẩn đoán mình bị đa nang buồng trứng, chị Ngọc thoáng buồn. Vợ chồng chị quyết định thực hiện thụ tinh nhân tạo - bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) theo sự tư vấn của bác sĩ. "Khi ấy mình cứ nghĩ đơn giản, chỉ cần có tiền điều trị thì chắc chắn sẽ thành công, con sẽ về nên hai vợ chồng vẫn lạc quan", chị Ngọc nhớ lại.

Nhưng cả 3 lần thực hiện IUI đều thất bại. Hy vọng rồi lại thất vọng, gia đình anh Dũng, chị Ngọc chỉ biết động viên nhau cùng cố gắng. Không nản lòng, năm 2015, hai vợ chồng quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) với hy vọng sớm đón được con yêu. Trong suốt quá trình thăm khám và điều trị, dù bận công việc ở đơn vị nhưng anh Dũng vẫn cố gắng thu xếp để dành thời gian đồng hành cùng vợ. Nỗ lực là vậy nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với anh chị khi hai lần chuyển phôi đều thất bại.

Vỡ òa trong hạnh phúc

Năm 2017,  vợ chồng anh Dũng - chị Ngọc tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thăm khám và thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thêm một lần nữa. Lần đầu chuyển phôi, niềm vui "có beta" chưa được bao lâu thì chị Ngọc được bác sĩ chẩn đoán thai ngoài tử cung, buộc phải đình chỉ thai. Thế nhưng, đối với người đã khát khao tìm kiếm con suốt nhiều năm trời thì "chỉ thế thôi cũng khiến hai vợ chồng có thêm hy vọng bởi ít nhất mình đã đậu thai thành công", chị Ngọc chia sẻ.

Kết “trái ngọt” sau 14 năm hiếm muộn - Ảnh 1.

Bé Hà Lan đã được hơn 2 tuổi

Tháng 9/2018, chị chuyển phôi lần thứ hai và vỡ òa trong hạnh phúc khi bác sĩ thông báo chị có thai và phôi đã làm tổ trong tử cung của mẹ. Số phôi còn lại, anh chị quyết định trữ đông để phục vụ cho nhu cầu sinh thêm con sau này.

"Dù rất áp lực khi chạy chữa mãi mà chưa có con nhưng chính sự tận tâm cũng như sự chia sẻ của các bác sĩ đã giúp vợ chồng tôi cảm thấy vơi đi phần nào gánh nặng. Có lẽ cũng nhờ đó mà con đã về với gia đình mình", chị Ngọc xúc động kể về hành trình tìm con của mình.

Đến tháng 4/2021, khi bé Hà Lan được hơn 2 tuổi, vợ chồng chị Ngọc quyết định chuyển phôi thêm lần nữa để Hà Lan sớm có em. Ở lần chuyển phôi này, chị Ngọc đã có tin vui và đang ở những tuần cuối của thai kì.

Thấu hiểu khát khao cháy bỏng về mái ấm gia đình với đứa con thân yêu cũng như những vất vả của người lính, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội triển khai chương trình "Hỗ trợ quân nhân hiếm muộn - Yêu thương lan toả" từ nay đến 19/5/2022. Bên cạnh các hỗ trợ thăm khám, xét nghiệm, chi phí thực hiện Thụ tinh trong ống nghiệm…, bệnh viện dành tặng 10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí cho các gia đình quân nhân hiếm muộn đang công tác tại các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng thông qua hình thức nộp hồ sơ xét duyệt phối hợp cùng Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội vào ngày 22/12/2021.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm