pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gần chục mô hình hay của phụ nữ Đắk Lắk nhằm bảo vệ môi trường
Nhiều mô hình thiết thực
Nổi bật trong các mô hình phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường là mô hình “Thu gom rác thải gây quỹ từ thiện” của phụ nữ tổ dân phố 4 (phường Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Dù mới thành lập hơn 6 tháng nhưng mô hình đã phát huy được hiệu quả tích cực. Nhiều hội viên, người dân đã hình thàn thói quen phân loại rác thải trong sinh hoạt, góp phần xây dựng khu phố xanh, sạch, đẹp.
Chị Vũ Thị Tuyết, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ tổ dân phố 4, cho biết: Trước tình trạng các vật dụng sau khi sử dụng như chai lọ, hộp giấy, vỏ nhựa… thường không được các gia đình thu gom mà vứt vương vãi làm mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường. Với mục đích nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, cuối năm 2019 chi hội đã thành lập mô hình “Thu gom rác thải gây quỹ từ thiện”, thu hút hơn 30 hộ gia đình hội viên tham gia.
Tham gia vào mô hình, các hộ dân sẽ tiến hành thu gom và phân loại rác tại nhà. Với những loại rác có thể tái chế như vỏ lon bia, chai nhựa, thùng giấy sẽ được sẽ được chủ nhà giữ lại đợi đến ngày thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần sẽ mang đến điểm tập kết tại nhà chi hội trưởng để tiếp tục phân loại, đóng bao và mang đi bán. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán phế liệu sẽ được bỏ vào quỹ của chi hội để thăm hỏi hội viên, phụ nữ nghèo vào các dịp lễ, tết.
Từ khi mô hình này đi vào hoạt động, nhiều hội viên đã hiểu rõ hơn về lợi ích của việc thu gom và xử lý phế liệu. Bà Nguyễn Thị Tuyển (một thành viên tham gia mô hình) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi không chú trọng lắm đến việc thu gom rác thải sinh hoạt nên đều dồn hết vào một túi mang rồi mang ra thùng rác. Từ khi tham gia vào mô hình, tôi đã biết cách phân loại rác và hạn chế sử dụng túi ni lông, đồ nhựa dùng một lần.”
Cùng với việc xây dựng mô hình thu gom rác thải, chi hội phụ nữ tổ dân phố 4 còn vận động hội viên, phụ nữ tham gia dọn dẹp vệ sinh, cắt tỉa cây cối tại các tuyến đường, khu phố định kỳ 2 lần/tháng để tạo cảnh quan môi trường thông thoáng, sạch sẽ.
Tương tự phường hội phụ nữ tổ dân phố 4 ,phường Tân Tiến, hội LHPN phường Thành Công cũng đã có cách làm hay của riêng mình. Các chị đã triển khai xây dựng “Con đường bích họa” của với những bức tranh vẽ sinh động đã xóa bỏ được “điểm đen” về môi trường. Chỉ hơn 2 tháng trước đây, khu vực giáp ranh giữa cổng chào của tổ dân phố 9 và bờ tường của Trung tâm da liễu Đắk Lắk vẫn được xem là điểm tập kết rác, gây ô nhiễm môi trường, cản trở giao thông. Thì nay, đoạn đường này đã khoác lên mình một “chiếc áo mới” sạch đẹp và văn minh hơn.
Theo chị Nguyễn Thị Tặng, Chủ tịch Hội LHPN phường Thành Công (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk): Ý tưởng vẽ tranh bích họa là để ngăn chặn tình trạng vứt rác bừa bãi tại nơi công cộng. Từ khi Hội phụ nữ của phường cử người xuống dọn dẹp và vẽ tranh lên tường thì người dân sinh sống tại đây và các vùng lân cận đã bảo nhau thu gom, vứt rác đúng nơi quy định, khu vực này đã trở nên thông thoáng, sạch sẽ.
Phụ nữ đồng lòng bảo vệ môi trường
Ngoài mô hình “Thu gom thu gom rác thải gây quỹ từ thiện”, “Con đường bích họa” còn có nhiều hoạt động, mô hình bảo vệ môi trường do các cơ sở hội triển khai, mang lại hiệu quả thiết thực như mô hình “Đường hoa đô thị” của Chi hội phụ nữ tổ dân phố 1 (phường Tân Thành) khuyến khích chị em, phụ nữ trồng hoa vào các lốp xe cũ để trước cửa nhà và thường xuyên chăm sóc; chương trình đổi rác thải nhựa lấy quà tặng “vì một môi trường không rác thải nhựa” của Hội LHPN huyện Krông Bông tổ chức tại xã Khuê Ngọc Điền; hoạt động “Chung tay bảo vệ môi trường, tái chế vỏ hộp sữa, chống rác thải nhựa” của Hội LHPN phường Tân Lập đã thu hút đông đảo tiểu thương buôn bán tại chợ Thanh Bình tham gia…
Chị Lê Thị Thanh, Chủ tịch Hội LHPN TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Thực hiện phong trào phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường, Hội LHPN thành phố đã chỉ đạo các cấp cơ sở hội tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia dình 5 không 3 sạch”; tuyên truyền, vận động người dân không xả rác, đổ nước thải ra đường phố để bảo đảm vệ sinh môi trường khu dân cư; tổ chức thu gom, phân loại các sản phẩm đã sử dụng làm từ nhựa, bao bì; khuyến khích chị em dùng túi vải, làn nhựa thay thế túi ni lông khi đi chợ; xây dựng và nhân rộng mô hình thu gom phế liệu làm gây quỹ từ thiện, đường hoa đô thị, con đường bích họa… Qua đó, đã tạo được sức lan tỏa lớn trong cộng đồng dân cư, ý thức giũ gìn vệ sinh môi trường của người dân được nâng lên”.