pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Đắk Lắk đi đầu trong các phong trào xây dựng nông thôn mới
Chị Nguyễn Thị Gấm (trái), ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, được hỗ trợ vốn chăn nuôi dê để thoát nghèo
Chị Nguyễn Thị Thêu, ở thôn 1 (xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) là một trong những điển hình hiến đất làm đường. Khi địa phương có chủ trương xây dựng nông thôn mới, chị đã tự nguyện hiến 230m2 đất trồng cà phê của gia đình để làm đường, giúp các hộ dân đi lại được thuận lợi hơn.
Ngoài hiến đất, gia đình chị còn đóng góp thêm tiền để cùng địa phương nâng cấp, sửa chữa đường. "Khi tuyến đường chưa được mở thì việc đi lại của bà con ở phía sau vườn nhà tôi gặp rất nhiều khó khăn. Do vướng phải "bức tường" ngăn cách là vườn cà phê của nhà tôi nên dù chỉ cách Tỉnh lộ 8 khoảng 200m nhưng các hộ phía sau phải đi vòng khoảng 1 km mới ra được bên ngoài", chị Thêu cho hay.
Không riêng chị Thêu, nhiều hội viên khác ở huyện Cư M’gar cũng tham gia hiến đất làm đường như chị H’Bi On Ktla, ở buôn Tu (xã Ea Tul) hiến 500m2 đất; chị Kpa Hwer ở buôn Ja Rai (xã Ea Kuêh) tự nguyện phá bỏ 22 cây cà phê, 5 cây điều và hiến 210m2 đất để làm đường giao thông nội buôn...
Hưởng ứng phong trào hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ và người dân hiểu rõ lợi ích thiết thực và lâu dài của việc làm đường giao thông nông thôn, từ đó, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Hội LHPN huyện Cư M’gar đã vận động được gần 280 hộ gia đình hội viên tự nguyện hiến hàng ngàn mét vuông đất để cùng địa phương mở rộng, uốn nắn các con đường cho thẳng, đẹp.
Người có giúp người khó
Không chỉ vận động hội viên phụ nữ hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới, Hội LHPN huyện Cư M’gar còn triển khai phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Nổi bật là phong trào "Người có giúp người khó, người khó ít giúp người khó nhiều, ai có gì giúp nấy" được triển khai hơn 10 năm nay.
Với phong trào này, tùy vào điều kiện cụ thể của gia đình mà chị em có những hình thức giúp đỡ phù hợp như cho vay vốn không tính lãi hoặc với lãi suất thấp; giúp đỡ về ngày công lao động, cây, con giống, kinh nghiệm sản xuất.
Bà Hà Thị Hương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar, cho biết: Bình quân, mỗi năm có 300 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ nhờ phong trào này. Từ năm 2015 đến nay, có 750 lượt chị em điều kiện kinh tế khá giả giúp đỡ cho trên 1.500 chị em nghèo, cận nghèo vay vốn, cây giống, con giống, phân bón... với tổng trị giá trên 5 tỷ đồng.
"Từ phong trào trên, nhiều chị em đã vươn lên, có thu nhập ổn định, góp phần không nhỏ trong chương trình xóa đói, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới ở địa phương", bà Hương nhấn mạnh.