Phụ nữ vùng biên tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới

Đình Nguyên
14/04/2020 - 11:34
Phụ nữ vùng biên tích cực chung tay xây dựng nông thôn mới
Những năm qua, cùng với việc thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng gia đình "5 không, 3 sạch", tham gia bảo vệ môi trường nông thôn, nhiều hộ cán bộ, hội viên phụ nữ ở huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An còn tự nguyện hiến đất, đóng góp ngày công lao động để xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Hưởng ứng Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, Hội LHPN huyện Con Cuông đã tích cực triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Với quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, vì vậy, khi có chủ trương của chính quyền địa phương về xây dựng nông thôn mới, không một chút do dự, nhiều hội viên phụ nữ đã đi đầu trong việc tự nguyện tháo dỡ bờ rào, công trình phụ và hiến hàng trăm m2 đất vườn cho việc mở rộng đường giao thông, góp phần vào sự đổi thay mạnh mẽ trong đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Phụ nữ vùng biên đi đầu trong công tác xây dựng NTM - Ảnh 1.

Mô hình phát triển chăn nuôi dê của chị Đặng Thị Lan, ở thôn Tân Lập, xã Bồng Khê, huyện Con Cuông

Gia đình chị Trần Thị Hoài, thôn 2/9, xã Châu Khê, huyện Con Cuông là một trong những tấm gương đi đầu trong việc hiến đất, hiến cây cho xây dựng nông thôn mới. Gia đình anh chị đã nhận thức được việc xây dựng nông thôn mới là vì lợi ích chung của cộng đồng, trong đó gia đình chị cũng được hưởng lợi.

Chính vì vậy, khi có chủ trương của UBND xã về xây dựng nông thôn mới, không một chút do dự, gia đình chị đã tự nguyện tháo dỡ bờ rào, công trình phụ và hiến 450m2 đất vườn cho việc mở rộng đường giao thông nông thôn.

"Tôi rất phấn khởi, nói đến xây dựng nông thôn mới là xây dựng quê hương giàu đẹp ai cũng phấn khởi, ai cũng thích cả. Khi Nhà nước phát động phong trào xây dựng đường giao thông nông thôn, gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất để làm đường. Ngoài ra, chị còn vận động người thân trong gia đình đóng góp tiền để cùng người dân trong ấp xây dựng tuyến đường", chị Hoài chia sẻ.

Mặc dù là một địa phương có không ít khó khăn do đặc thù của huyện miền núi, nhưng sau khi triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, huyện Con Cuông đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhận thức của người dân ngày càng sâu sắc, tạo ra các phong trào thi đua thiết thực hiệu quả, bộ mặt nông thôn khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Gần 10 năm qua, chương trình xây dựng nông thôn mới ở Con Cuông đã huy động gần 900 tỷ động, hàng nghìn ngày công, vận động nhân dân hiến đất, hàng ngàn mét hàng rào và cây các loại để mở đường; gần 1.000 km giao thông các loại được triển khai thi công, hàng trăm km kênh bê tông được xây dựng.

Kết quả đến nay tổng chiều dài đường giao thông đến tận trung tâm xã đã nhựa hóa và bê tông hóa là 50/112,85km, đạt 42,89%; trục thôn, liên thôn trên địa bàn huyện đến nay đã nhựa hóa, bê tông hóa 26,634/116,591 km, đạt 29,64%; bê tông hóa giao thông ngõ xóm 101,46km; cứng hóa giao thông nội đồng 17,165 km, đạt 6,5%.

Ông Kha Văn Lịnh, trú tại bản Cống, xã Cam Lâm, huyện Con Cuông cho biết: "Nhân dân họ đồng tình phấn khởi, họ hiểu được chủ thể là người được sử dụng nhiều nhất là người dân nên họ rất đồng tình chung tay xây dựng nông thôn mới"...

Phụ nữ vùng biên đi đầu trong công tác xây dựng NTM - Ảnh 2.

Người dân Con Cuông làm đường bê tông hóa nông thôn

Không chỉ đường giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng được nâng cấp đầu tư đồng bộ là điều kiện cho sự phát triển mạnh mẽ của các vùng nông thôn từ các xã đến tận các thôn, bản vùng khó khăn. Chính sự công khai minh bạch trong trong quá trình vận động và đầu tư xây dựng đã tạo sự đồng thuận thống nhất cao trong nhân dân. Từ đó, nhân dân tự nguyên đóng góp tiền, ngày công, hiến đất và tài sản trên đất, đồng lòng chung tay xây dựng nông thôn mới với tổng huy động lên gần 30 tỷ đồng, chiếm 1/3% tổng nguồn lực xây dựng nông thôn mới toàn huyện.

Bên cạnh đó, huyện đã hình thành các mô hình liên kết chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao giá trị sản xuất và phát triển bền vững gồm: Vùng chuyên canh rau hàng hóa, vùng trồng cây dược liệu, vùng chuyên canh trồng cam, mía hàng hóa. Trong chăn nuôi, huyện đã từng bước chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi hàng hóa, phát triển được hàng chục cơ sở chăn nuôi tập trung.

Nếu như trước đây những mô hình có thu nhập hàng chục triệu đồng là rất hiếm, những giờ đây những mô hình vườn cho thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng giờ không còn là chuyện khó. Đơn cử như mô hình trồng bưởi da xanh của hộ gia đình chị Bùi Thị Vân, ở thôn 2-9 xã Bồng Khê mỗi năm cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng từ cây ăn quả.

"Khi địa phương vận động hiến đất, gia đình nhà chồng tôi đã trăn trở rất nhiều. Cuộc sống của gia đình rất khó khăn, suốt đời tằn tiện nên khi bảo hiến thì xót lắm. Thế nhưng khi được hội phụ nữ tuyên truyền vận động, tôi đã mạnh giạn thuyết phục mọi người trong gia đình hiến đất làm đường, không chỉ có con đường đẹp đẽ khang trang để đi, mà còn rất thuận lợi trong giao thương buôn bán. Giờ đây, gia đình tôi đã rất thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hoáng, mang lại thu nhập ổn định cho gia đình…", chị Vân chia sẻ.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Bồng Khê cho biết: Cùng với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, Hội LHPN Bồng Khê đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, từ đó tạo sự hưởng ứng, đồng thuận cao trong hội viên, phụ nữ và người dân. Hiểu được lợi ích thiết thực từ việc làm đường, nhiều hộ ban đầu còn e ngại nhưng nay đã tự nguyện hiến đất thực hiện các công trình giao thông.

Phụ nữ vùng biên đi đầu trong công tác xây dựng NTM - Ảnh 3.

Đường giao thông thuận tiện nên nông sản của người dân được vận chuyển, buôn bán dễ dàng

Bà La Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN huyện Con Cuông chia sẻ: "Có thể khẳng định, phong trào xây dựng nông thôn mới đang từng bước lan tỏa trong các cấp hội phụ nữ ở các địa phương của huyện Con Cuông. Việc hiến đất, làm đường giao thông nông thôn của hội viên phụ nữ ở các xã đã góp phần thiết thực, bởi chính những con đường mới đã giúp cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân được thuận lợi hơn và tạo điều kiện phát triển kinh tế, xã hội địa phương. Từ chỗ tăng hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập thời đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới càng lan tỏa."

Từ chỗ cả huyện chỉ đạt dưới 3 tiêu chí, bình quân mỗi xã chỉ đạt 3-5 tiêu chí thì đến nay bình quân toàn huyện đạt 11/19 tiêu chí, không có xã dưới 5 tiêu chí; có 2/12 xã đã cán đích, toàn huyện đã có hơn 20 thôn, bản về đích nông thôn mới.

Huyện Con Cuông đang phấn đấu đến cuối năm 2020 đưa thêm 1 xã về đích nông thôn mới, theo đó đối với các xã đang còn khó khăn huyện sẽ tập trung các nguồn lực để cùng chính quyền các xã tháo gỡ các khó khăn, hoàn thiện các tiêu chí.

Ông Lô Văn Thao - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: "Thời gian tới, huyện tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp hội, đặc biệt là Hội LHPN cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, góp phần chung sức xây dựng huyện miền núi Con Cuông ngày một phát triển".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm