Gấp rút đối phó với nguy cơ bệnh sốt suất huyết lan rộng trên cả nước

10/08/2019 - 22:01
Trước tình trạng dịch sốt xuất huyết tăng cao và diễn biến phức tạp, ngành y tế đã gấp rút triển khai các biện pháp đối phó.

Thời gian qua, tại các tỉnh, thành dịch sốt xuất huyết có diễn biến bất thường, số bệnh nhân nhập viện tăng cao. Tại TP.HCM, theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2019 đã  có 31.787 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, có 7 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, trong đó có 2 trẻ em.

Còn tại Đà Nẵng, từ đầu năm đến nay cả thành phố nhận 3.499 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm 2018. Địa phương có có tỷ lệ mắc sốt xuất huyết tăng cao nhất là huyện Hòa Vang, tăng 4,5 lần so với năm 2018.

Ở Hà Nội, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận trên 1.800 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Cả 30 quận, huyện, thị xã đều có bệnh nhân mắc, trong đó 85% số ca mắc nằm ở 12 quận, huyện là Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Thường Tín, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Thanh Oai, Thanh Trì, Ba Đình, Hoài Đức, Hai Bà Trưng.

 

ha-noi-kich-hoat-cac-doi-dac-nhiem-chong-dich-sot-xuat-huyet_9.jpg
Ngành y tế Hà Nội phun hóa chất ngăn ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 ca tử vong. Dự báo, số ca mắc bệnh sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới và bùng phát trên diện rộng.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, hiện dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân là bởi các yếu tố nguy cơ như thời tiết mưa, nắng thất thường, thích hợp cho muỗi truyền bệnh sinh sản và phát triển. Nhưng nguyên nhân lớn nhất vẫn là do ý thức của người dân trong việc phòng chống như diệt lăng quăng, bọ gậy; chưa phối hợp tốt với ngành y tế trong việc phun thuốc phòng dịch, diệt muỗi; chưa xử lý sạch sẽ môi trường dễ tạo điều kiện phát sinh muỗi, bọ gậy.

Trước tình hình trên, các địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh. Tại Hà Nội, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hợp tác với ngành y tế, Sở cũng chuẩn bị đủ máy phun, hóa chất để hỗ trợ các địa phương. Ngoài ra, Sở cũng tăng cường giám sát diễn biến dịch bệnh trên bệnh nhân, côn trùng và virus Dengue để nhận định, dự báo và đáp ứng phòng chống dịch. Đặc biệt, các quận, huyện có tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp sẽ thành lập 2 đội đặc nhiệm/đơn vị. Thành viên các đội này được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đào tạo, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ để hỗ trợ xử lý các ổ dịch.

 

anhbaichinhtr13266.jpg
Điều trị cho các bệnh nhi sốt xuất huyết

 

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chỉ thị số 07, yêu cầu Sở Y tế các tỉnh/thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch; huy động mọi nguồn lực trên địa bàn để đáp ứng công tác phòng chống dịch, kiên quyết không để dịch lan rộng và kéo dài.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng yêu cầu các địa phương tổ chức 3 chiến dịch lớn diệt lăng quăng (bọ gậy) từ nay đến hết năm 2019; tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trên diện rộng tại các khu vực nguy cơ cao và các địa điểm tập trung đông người như chợ, trường học, bến xe, bến tàu, bệnh viện; Tổ chức chức các chiến dịch truyền thông nhằm vận động mọi người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay tại hộ gia đình; tổ chức tốt việc thu dung, phân loại và điều trị bệnh nhân. Đảm bảo điều trị tại chỗ những trường hợp nhẹ, không chuyển tuyến khi không đúng chỉ định nhằm hạn chế quá tải ở bệnh viện tuyến trên, hạn chế lây nhiễm chéo và tử vong,…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm