pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gay cấn lễ hội thả diều "ngàn năm tuổi" ở một ngôi làng tại Hà Nội
Làng diều Bá Dương Nội thuộc xã Hồng Hà cách trung tâm thành phố khoảng 20km (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Làng diều như trường tồn, bất biến với thời gian, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể, một “địa chỉ văn hóa dân gian” độc đáo của vùng đất Thăng Long - Hà Nội...
Tham gia hội thi năm nay có 65 cánh diều đến từ 18 câu lạc bộ thả diều của 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Vĩnh Phúc, Thái Bình và Bắc Giang và các vùng địa phương lân cận. Trong đó, có 24 cánh diều của các chủ diều từ làng Bá Dương Nội.
Để có con diều tốt nhất dự thi vào tháng 3, ngay từ tháng 8 năm trước, người dân trong làng đã bắt tay vào chuẩn bị con diều sao cho ưng ý nhất. Để làm một con diều phải qua khá nhiều công đoạn. Đầu tiên là chọn “xương” diều, “xương” diều chủ yếu được làm bằng tre, nhưng không phải giống tre nào cũng làm được, mà buộc phải ôi ok chọn được loại tre già, tre gai mọc ở đồng bằng. Thời điểm chặt tre cũng rất quan trọng, tre phải chặt vào mùa đông, giãi khô, tiếp đó chẻ ra và định hình khung diều. Sở dĩ phải kỳ công chọn tre là bởi loại tre nhỏ và đặc này mới cho diều bộ khung cứng, dẻo, bền và không nặng.
Ông Nguyễn Văn Hậu (82 tuổi, diều màu cam) và ông Phạm Văn Mai (85 tuổi, diều giấy dó) là một trong hai chủ diều lớn tuổi nhất tại hội thi năm nay, dân làng Bá Dương Nội nói rằng, ông Mai là "Độc cô cầu bại" trong mỗi hội thi, là người nhiều kinh nghiệm nhất, nhiều lần đạt giải nhất, đến nay ông Mai đã có hơn 70 năm kinh nghiệm làm và thi đấu diều.
Người ta thường bảo, tiếng sáo diều là "đặc sản" của vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhưng số người từng thực sự chơi diều sáo lại rất hiếm. Có lẽ vì vậy người hiểu được vẻ đẹp của cánh diều với âm thanh vi vút, bất tận phải là một nghệ sĩ thực thụ. Với làng Bá Dương Nội, diều sáo như một biểu tượng chứ không chỉ là thú chơi đơn thuần.
Khoảng 13h, từ khắp các ngõ ngách trong làng, các đội thi bắt đầu tập trung và mang diều tới sân đình làm lễ trước khi trình diều và bước vào cuộc thi.
Ba cha con anh Phạm Đình Hùng (huyện Hoài Đức) dù không phải người làng thế nhưng từ đam mê thu chơi ngày còn bé, anh Hùng duy trì và sau cũng truyền sang cho 2 người con là Đạt và Duy tình yêu với diều sáo, tại hội thi năm nay ba cha con anh mang tới ba con diều với các kích cỡ khác nhau.
Người ta thường bảo, tiếng sáo diều là "đặc sản" của vùng đồng bằng Bắc bộ, nhưng số người từng thực sự chơi diều sáo lại rất hiếm. Tiếng sáo còn là thứ để phân biệt trình (tay nghề) của người chơi. Nghe tiếng sáo, người ta có thể nhận biết được tâm trạng của người chơi. Khi vui, cánh diều sáo có tiếng chuông, tiếng ốc, chọn lúc gió to để thả, khiến sáo đổ hồi nhanh hối hả, rộn ràng, sống động. Khi mang nỗi sầu bi hay tâm sự riêng gửi gắm qua sáo diều, người ta gắn sáo có tiếng trầm, chậm, thả diều lúc gió nhẹ, chuông sẽ đổ chậm hơn, âm thanh trầm ấm, có lúc như nghẹn lại, day dứt...
Diều và sáo được bắt gặp ở khắp nơi trong ngày hôm nay, dân làng háo hức tập nập đổ về sân đình.
Tại sân đình, công tác tổ chức được chuẩn bị kĩ càng, các chủ diều dự thi đã có mặt, đăng ký số báo danh, kiểm tra tiêu chuẩn diều và nhận "đai" của Ban tổ chức. Diều tiêu chuẩn dự thi phải đủ điều kiện: Chiều dài tối thiểu 2,2m; rộng tối thiểu 0,6m; có đủ 3 sáo (đường kính sáo phải từ 2,5cm trở lên); cánh diều không được dán bằng giấy bóng trắng…Tổ trọng tài kiểm tra, đủ điều kiện diều mới được đánh số; niêm phong diều và sáo. Các diều dự thi phải thả ở khu vực chỉ giới ban tổ chức quy định.
Tiêu chí chấm diều của làng Bá Dương Nội đó là diều có sáo hay nhất, lên cao nhất và đứng im nhất. Trường hợp 2 diều có cùng tiêu chí trên, tổ trọng tài sẽ so sánh chiều rộng, chiều dài của diều và sáo, diều nào có chỉ số cao hơn thì diều ấy thắng cuộc.
Tới khoảng 15h, sau khi các nghi lễ được hoàn thành, các chủ diều di chuyển ra bãi thả để cất cao cánh diều theo ngọn gió.
Nhiều đội di chuyển nhanh ra tới bãi, nhằm lấy lợi thế cũng như cất cao con diều trước khi bị cản trở bởi quá nhiều các dây diều khác xung quanh.
Mỗi cuộn dây thả dài từ vài trăm tới cả nghìn mét, nhiều chủ diều đeo thêm găng tay đề phòng khi diều lên quá cao, gió mạnh dây thả có thể gây ra những tổn thương tay không mong muốn.
Những cánh diều bay cao trên bầu trời làng Bá Dương Nội.
Rất đông người dân địa phương và những du khách về với làng Bá Dương Nội để theo dõi hội thi.
Kết thúc cuộc thi, chủ diều sô 37 là anh Phạm Văn Tuyến (xã Hồng Hà) đã xuất sắc giành giải nhất, đây là năm thứ 2 liên tiếp chủ diều này giành được giải nhất, ngoài ra giải nhì được trao cho diều số 58 của ông Nguyễn Sinh Hiệp (xã Hồng Hà), giải ba thuộc về diều số 20 của ông Nguyễn Đình Tài (huyện Phúc Thọ), cùng với đó là 5 giải khuyến khích cho các chủ diều.
Cứ mỗi độ 14/3 Âm lịch, làng thường tổ chức cuộc thi diều sáo với ý nghĩa gìn giữ, tạo sân chơi cho người làng và đặc biệt là trao truyền giá trị văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, để lớp trẻ có thể cảm nhận những tinh hoa của cha ông truyền lại. Chỉ có ở làng Bá Dương mới tổ chức hội thi thả diều, và thi sẽ có giải. Đó nó là nét truyền thống mong mùa màng tươi tốt, một cuộc sống bình an. Lễ hội thi thả diều làng Bá Dương Nội đã được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam công nhận là di sản văn hóa phi vật thể năm từ 2004 cho tới nay đã tròn 20 năm, thế nhưng nét đẹp ấy vẫn ngày ngày được gìn giữ, phát huy trong người dân làng Bá Dương Nội và thu hút cả những người yêu cánh diều sáo tại các vùng địa phương khác.