pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gây quỹ Hội từ cải tạo ruộng hoang
Phụ nữ Quỳnh Lưu (Nghệ An) thu hoạch lúa từ ruộng trũng gây quỹ Hội
Phủ xanh đất bị bỏ hoang
Chị Phan Thị Giang, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 3, xã Quỳnh Hậu (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết: "Trước đây, việc thu quỹ Hội gặp nhiều khó khăn hơn vì đời sống của đa phần chị em trong xóm còn khó khăn. Thấy ở địa phương có một số cánh đồng đầm lầy bỏ hoang, cỏ mọc cao hơn người, Chi hội đã đề xuất xã cải tạo để cấy lúa gây quỹ. Đầu tiên, cán bộ, hội viên phụ nữ thôn bắt tay phát cỏ khai hoang, đổ đất nâng nền, khai hoang đến đâu cấy đến đấy. Hàng chục cán bộ, hội viên Chi hội đã bỏ công khai hoang, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch lúa".
Hiện xóm 3, xã Quỳnh Hậu, có hơn 7.000m² đồng sâu khó sản xuất. Từ việc làm cỏ, cuốc đất đến cấy lúa, gặt lúa đều không thể thực hiện bằng cơ giới hóa mà phải làm thủ công. Vất vả là thế nhưng sản phẩm thu về năng suất thấp, đó là chưa kể khi gặp thời tiết không thuận lợi thì bao công sức đổ xuống sông xuống bể. Vì vậy, nhiều người dân không còn mặn mà với sản xuất lúa, nhiều lao động chọn đi làm xa với mong muốn có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. "Trong giai đoạn 2016 – 2017, chi hội đảm nhận trồng lúa trên diện tích 1.500m². Chị em làm trọn gói từ khâu chọn giống đến bắc mạ, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch. Thấy phát huy hiệu quả, sang năm 2018-2019 diện tích được nâng lên thành 2.500m². Từ năm 2020 đến nay, Chi hội mạnh dạn nhận 4.500m² đất ruộng loại 2, đất bỏ hoang để làm", chị Giang cho biết.
Xã Quỳnh Thạch hiện có 3 chi hội phụ nữ xóm 2, 4, 7 đang triển khai mô hình này với diện tích mỗi Chi hội đảm nhận khoảng 2 sào. Theo chia sẻ của các Chi hội trưởng, lúc đầu, việc vận động chị em tham gia cấy lúa gây quỹ gặp khó khăn, bởi họ còn e ngại về hiệu quả của mô hình. Qua một vài vụ, chị em thấy thành quả nên tích cực tham gia.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Thạch, cho biết: "Ban đầu, việc vận động chị em nhận ruộng hoang, ruộng khó để cấy cũng gặp khó khăn vì phần lớn chị em bận việc gia đình. Do vậy, cán bộ Hội, Chi hội làm là chính, sau vài vụ điều chỉnh thời gian như chọn cấy lúa vào cuối vụ, cấy một giống lúa, thu hoạch cuối vụ, cuối tuần, chị em tham gia tăng dần. Giờ đã thành nếp, cứ chi hội phát động ra đồng đắp bờ, cấy lúa, làm cỏ, bón phân, phun thuốc trừ sâu, gặt lúa là hàng trăm chị em của các chi hội tự giác tham gia".
Những hạt lúa yêu thương
Theo chị Phan Thị Giang, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 3, xã Quỳnh Hậu, từ khi triển khai mô hình "Biến ruộng hoang thành yêu thương", chị em tham gia rất nhiệt tình và trách nhiệm. Xóm có 170 hội viên thì có 110 chị em tham gia, trừ những người già, đau yếu. Số tiền bán lúa sau thu hoạch được dùng để hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19, gia đình phụ nữ nghèo vay không lãi suất để mua con giống phát triển kinh tế.
Đến nay, nguồn quỹ Chi hội đã lên đến 100 triệu đồng. "Năm nay trong thu hoạch vụ Xuân, chị em thu được 2, 4 tấn lúa, trừ chi phí bán được 9 triệu đồng. Số tiền thu được Chi hội đã xét cho 1 hội viên có hoàn cảnh khó khăn vay không lãi suất để mua con giống phát triển kinh tế. Số tiền còn lại được đưa vào quỹ để thăm hỏi hội viên ốm đau. Hiện tại Chi hội đã tổ chức gieo cấy xong vụ Hè Thu chờ thu hoạch", chị Phan Thị Giang cho hay.
Theo chị Hồ Thị Tuyết, Chủ tịch Hội LHPN xã Quỳnh Hậu: "Đây là mô hình vừa thực hiện chủ trương phủ kín đồng ruộng, không để diện tích bỏ hoang, vừa tạo quỹ để Chi hội hoạt động".
Tại xã Quỳnh Hưng, Chi hội phụ nữ xóm 1 là đơn vị đi đầu trong phong trào trồng lúa gây quỹ. Chi hội trưởng Phan Thị Chiến cho hay: "Hiện Chi hội đã nhận 5 sào trồng lúa tập thể với 30 hội viên tham gia. Vụ đầu tiên thu hoạch được 1,5 tấn lúa bán được hơn 10 triệu đồng để gây quỹ. Một phần trong số đó được trích ra thăm hỏi, động viên hội viên là chị Nguyễn Thị Thắng bị bệnh hiểm nghèo và chị Phạm Thị Mơ có con mới học lớp 2 nhưng bị biến chứng thận, tim, phải nằm một chỗ".