Thứ bảy, 14/12/2024
Có mâyHà Nội
15° - 17°C

GDP 6 tháng đầu năm 2023 thấp thứ hai trong 13 năm qua

H.Y
29/06/2023 - 14:24
Ngoại trừ năm 2020 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay thấp nhất so với cùng kỳ của 11 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đã có những điểm sáng trong nền kinh tế.
GDP 6 tháng đầu năm 2023 thấp thứ hai trong 13 năm qua - Ảnh 1.

Số liệu thống kê GDP 6 tháng đầu năm của 13 năm trở lại đây cho thấy

 Điểm sáng từ ngành dịch vụ

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2023 tăng 3,72%, khá thấp so với GDP cùng kỳ giai đoạn 2011-2023, tăng trưởng GDP nửa đầu năm nay chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của nửa đầu năm 2020. Số liệu được Tổng cục Thống kê công bố tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý 2 và 6 tháng đầu năm 2023, sáng 29/6, tại Hà Nội.

Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố theo biểu đồ trên cho thấy, tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm giai đoạn 2011-2023 có 2 năm tăng trưởng dưới 4% là năm 2020 (năm đỉnh điểm của đại dịch Covid-19) và năm 2023. Như vậy ngoại trừ năm 2020, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm qua. Nếu tính riêng trong quý 2/2023, tăng trưởng GDP đạt 4,14% so với cùng kỳ năm trước.

Xét trong 6 tháng đầu năm, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%; khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh đã góp phần duy trì tăng trưởng của khu vực dịch vụ trong 6 tháng qua. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm tăng 6,33% so với cùng kỳ năm trước.

GDP 6 tháng đầu năm 2023 thấp thứ hai trong 13 năm qua - Ảnh 2.

Họp báo công bố về số liệu kinh tế-xã hội quý II và 6 tháng đầu năm

Lạm phát tăng 3,29%

Về tình hình đăng ký doanh nghiệp, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 75.900 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; gần 37.700 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 7,4%.

Mức tăng trưởng 3,72% trong 6 tháng đầu năm không cao nhưng các cân đối lớn được đảm bảo, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong bối cảnh đối diện với nhiều khó khăn thách thức ở cả trong và ngoài nước.

Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Bên cạnh đó có 60.200 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; 31.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,9%; 8.800 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 2,8%.

Cũng theo số liệu thống kê của Tổng cục thống kê, từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 13.118 tỉ đồng/phiên, giảm 35,7% so với bình quân năm 2022. Tương tự, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường trái phiếu đạt 5.596 tỉ đồng/phiên, giảm 27,2%; khối lượng giao dịch bình quân trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 243.037 hợp đồng/phiên, giảm 11%.

Tổng vốn đầu tư FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2023 đạt 13,4 tỉ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn FDI thực hiện ước đạt 10,02 tỉ USD, tăng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2023 tăng 0,27% so với tháng trước, tính chung CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với cùng kỳ năm trước.

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, dự báo kinh tế - xã hội quý 3 năm nay tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Do đó, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2023 là thách thức rất lớn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm