pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Gen Z làm mẹ có xu hướng tự gây áp lực cho bản thân và ít tự tin hơn thế hệ trước"
Theo một cuộc khảo sát gần đây của What to Expect với hơn 3.000 bà mẹ có con nhỏ và phụ nữ đang mang thai, cứ 10 người thì lại có 8 người tin rằng họ cần phải trở nên hoàn hảo khi nuôi con.
Tuy nhiên, giữa thế hệ 8x, 9x đời đầu và Gen Z lại có định nghĩa khác nhau về sự hoàn hảo. Theo đó, các bà mẹ thuộc Gen Z có xu hướng tự gây áp lực cho bản thân nhiều hơn và ít người trong số họ tự tin về vai trò làm mẹ của mình so với các bà mẹ thuộc thế hệ trước.
Cụ thể, khi được hỏi về 26 lý tưởng nuôi dạy con cái, các bà mẹ Gen Z đánh giá cao hơn 11 mục tiêu trong số đó. Các mục tiêu này bao gồm giữ trẻ bận rộn với nhiều hoạt động, đảm bảo lượng thời gian không tiếp xúc với công nghệ, cởi mở để trẻ khám phá bản sắc của mình và đặt gia đình lên trên nhu cầu của bản thân. Ngoài ra, cứ 10 người thì có 7 người nói rằng muốn dạy con mình cách "chấp nhận tất cả mọi thứ", dù là thành công hay thất bại.
Tiến sĩ Shari Lusskin - chuyên gia tâm thần học cho phụ nữ mang thai - cho biết việc các bà mẹ Gen Z tự tạo áp lực cho bản thân phụ thuộc vào môi trường thời thơ ấu của họ: "Các bậc cha mẹ trẻ lớn lên trong thời đại mạng xã hội, họ đã quen với việc mọi hành động của mình đều được thảo luận và phê bình. Điều đó không khác gì việc nuôi dạy con cái".
Ngược lại, các bà mẹ thuộc thế hệ 8x, đầu 9x lại chỉ đánh giá cao hơn 2 lý tưởng so với Gen Z, đó là cha mẹ cần có một cuộc hôn nhân thành công và phải nêu gương cho con về tinh thần làm việc.
Dominique De Lope - quản lý cấp cao của What to Expect - chia sẻ với Deseret News: "Bản thân tôi là một bà mẹ thuộc thế hệ 8x, vậy nên tôi rất ngạc nhiên về sự chênh lệch giữa quan điểm nuôi dạy con hoàn hảo của các bà mẹ Gen Z và thế hệ 8x, 9x đời đầu. Ban đầu tôi nghĩ tỷ lệ giữa hai bên sẽ cân bằng hơn, nhưng khi xem xét kỹ càng dữ liệu, tôi nhận thấy rằng các bậc cha mẹ trẻ đã coi trọng nhiều lý tưởng cốt lõi".
Theo Deseret News, có hai nguyên nhân chính dẫn đến sự khác biệt này:
Số tuổi và kinh nghiệm
Phần lớn các bà mẹ thuộc thế hệ 8x, 9x đời đầu cảm thấy tự tin hơn trong vai trò làm mẹ của mình, một phần có thể do tác động của độ tuổi và kinh nghiệm. Ngược lại, các bạn Gen Z trẻ hơn và thường có ít kinh nghiệm hơn trong việc làm cha mẹ, vậy nên họ cần có người hướng dẫn và chỉ ra đâu mới là cách làm đúng đắn.
Ngoài ra, trong thời kỳ giãn cách do Covid-19, những bậc cha mẹ trẻ tuổi sống riêng ít có cơ hội để cho con gặp gỡ ông bà, điều này cũng gây ra thách thức không nhỏ cho những người vốn có ít kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ em.
Áp lực đồng trang lứa
Một trong những người tham gia khảo sát nói rằng trong thời gian nghỉ thai sản, cô có nhiều thời gian dành cho mạng xã hội hơn bình thường. Điều này đã khiến cô gặp phải áp lực đồng trang lứa khi thấy bạn bè và những người cùng thế hệ có một cuộc sống hoàn hảo, trong khi bản thân lại không có được điều đó.
Chính mạng xã hội đã đặt ra cho các bà mẹ những kỳ vọng không thực tế, dẫn đến việc hình thành những lý tưởng nuôi dạy con cái gần như không thể đạt được. Trong khi đó, theo giáo sư giáo dục mầm non Cynthia Osborne, những gì trẻ em cần lại khá cơ bản.
"Từ góc độ phát triển, trẻ em thực sự khá đơn giản. Chúng không cần những món đồ chơi đẹp đẽ, những chuyến cắm trại đắt đỏ hay lịch trình bận rộn. Tất cả những gì trẻ em cần là một môi trường an toàn, ổn định và tình yêu thương", Osborne cho hay.
Nhìn chung, các câu trả lời của cuộc khảo sát cho thấy ngay cả khi những người mẹ kỳ vọng rất lớn vào bản thân. Họ đồng thời cũng nhận ra rằng một người mẹ hoàn hảo thật sự khó có thể tồn tại trên đời.