Ghép tế bào gốc cứu sống bé 4 tuổi bị u nguyên bào thần kinh

Linh Trần
09/01/2020 - 19:03
Ghép tế bào gốc cứu sống bé 4 tuổi bị u nguyên bào thần kinh
Bệnh nhi được xác định bị u nguyên bào thần kinh, một dạng ung thư phổ biến trong những năm đầu đời của trẻ. Tuy nhiên, nhờ được ghép tế bào gốc, bệnh nhi đã được cứu sống.

Ngày 9/1, GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc BV TƯ Huế cho biết, BV vừa thực hiện thành công ca ghép tế bào gốc cho bệnh nhi B.A.H. (4 tuổi, quê huyện ĐaKrông, Quảng Trị) bị bệnh u nguyên bào thần kinh, nguy cơ tử vong cao.

Trước đó, bệnh nhi được xác định bị u nguyên bào thần kinh. Theo các bác sĩ, đây là ung thư phổ biến nhất trong 5 năm đầu tiên của cuộc đời. Nguyên bào thần kinh là các tế bào thần kinh chưa trưởng thành được phát hiện ở thai nhi. Nguyên bào thần kinh trưởng thành bình thường trở thành tế bào thần kinh hoặc tế bào tủy thượng thận. U nguyên bào thần kinh hình thành khi các nguyên bào thần kinh rối loạn quá trình trưởng thành. Đa số u nguyên bào thần kinh được phát hiện khi ung thư đã lan rộng ra các cơ quan: hạch bạch huyết, gan, phổi, xương, tủy xương...

Ghép tế bào gốc cho bé 4 tuổi bị u nguyên bào thần kinh - Ảnh 1.

Sau phẫu thuật, sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định

Với tình trạng của bệnh nhi H. các bác sĩ nhận định, trẻ có nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị kịp thời. Sau khi hội chẩn, chuẩn bị nhân lực, BV đã quyết định phẫu thuật ghép tế bào gốc tự thân cho bệnh nhi. Sau ghép, bệnh nhi được chăm sóc đặc biệt, đồng thời các bác sĩ sử dụng hóa chất liều cao để điều trị cho bệnh nhân.

Sau phẫu thuật 32 ngày, sức khỏe của bệnh nhi đã hồi phục, các xét nghiệm máu của bệnh nhân đã trở về bình thường. Vì vậy, ngày 9/1, bệnh nhi đã được cho xuất viện.

Theo GS. Phạm Như Hiệp, ghép tủy tự thân là phương pháp thu hoạch tế bào gốc từ chính bản thân bệnh nhân sau khi bệnh ở giai đoạn ổn định. Tế bào gốc có thể lấy từ máu ngoại vi huy động hoặc từ tủy xương, sau đó được bảo quản đông lạnh ở 196 độ C. Bệnh nhân được điều trị hóa chất liều cao để loại bỏ các tế bào ác tính còn sót lại trong cơ thể, sau đó truyền tế bào gốc đã bảo quản để phục hồi hệ thống tạo máu, giúp rút ngắn giai đoạn suy tủy. Với thành công này, BV TƯ Huế là đơn vị thứ 3 thực hiện thành công kỹ thuật này.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm