Đi khám sỏi thận mới biết đã mất thận !
Trong đơn gửi tới Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Lê Thị Nga (sinh năm 1964, xã Hà Thái, huyện Hà Trung, Thanh Hóa) cho biết, ngày 20/7/2019 đi tiểu buốt, tiểu ra máu nghi bị sỏi thận nên ra BV Việt Đức thăm khám.
Ngày 24/7, sau khi thăm khám, bà được chỉ định siêu âm. Kết quả siêu âm xác định: Thận phải: Kích thước bình thường, nhu mô dày bình thường, nhóm đài bể thận trên giãn khu trú, không thấy sỏi. Có nang cực dưới, kích thước 21mm. Thận trái: kích thước bình thường, nhu mô dày mỏng không đều, đài bể thận giãn. Đài bể thận có vài sỏi, các sỏi nhỏ nhất kích thước lớn nhất là 23mm.
Sau đó, bà được cho đi chụp Xquang tại BV và chụp cắt lớp. Kết quả cho thấy bà không có thận trái. Sau khi nhận kết quả siêu âm, chụp Xquang, gia đình tôi tá hỏa bởi không biết tại sao mình mất thận trái.
Ngày 25/7, bà và người nhà quay trở lại BV Việt Đức thắc mắc về kết quả chụp cắt lớp không có thận trái. Lúc này, BV siêu âm lại lần 2 cho kết quả không thấy thận trái. BV kết luận bà không có thận trái.
Theo bà Nga, cách đây 4 năm, vào tháng 12/2015 đi khám tại BV Việt Đức và được xác định có sỏi thận nên được phẫu mổ mở để lấy sỏi.
Trước khi phẫu thuật bà và người nhà là Lê Văn Bảy (anh trai) được bác sĩ BV giải thích là mổ để lấy sỏi và gia đình ký cam kết. Sau phẫu thuật, bà xuất viện về quê. Từ thời điểm đó đến nay vẫn không biết mình bị mất thận trái.
Sau khi biết mình không còn thận trái, bà thắc mắc với BV về ca phẫu thuật cách đây gần 4 năm. Tại buổi làm việc với BV Việt Đức ngày 5/8, đại diện BV giải thích, khi phẫu thuật lấy sỏi, kíp mổ thấy thận trái yếu, ứ nước và có liên quan đến tụy nên “tự cắt” không cần giải thích với người nhà. Sau đó, BV có đưa ra, bản cam kết phẫu thuật có chữ ký của bệnh nhân và người nhà và khẳng định làm đúng.
Tuy nhiên, cả bà Nga và ông Lê Văn Bảy đều khẳng định, chỉ ký cam kết phẫu thuật lấy sỏi chứ không ký cam kết phẫu thuật cắt thận.
Hơn nữa, nếu phải cắt thận trong lúc phẫu thuật tại sao bác sĩ không thông báo cho người nhà. Hoặc sau khi phẫu thuật, nếu đã cắt thận bác sĩ cũng phải giải thích với người nhà. “Chúng tôi ký cam kết phẫu thuật lấy sỏi, chứ không ký cam kết phẫu thuật cắt thận. Do đó, BV tự ý cắt thận của tôi với bất kỳ lý do thì phải giải thích cho tôi hoặc người nhà sau khi phẫu thuật. Đằng này, tôi cứ đinh ninh mình vẫn có 2 thận, cho đến khi ra BV khám lại vào cuối tháng 7/2019”, bà Nga bức xúc nói.
Lãnh đạo BV: Gia đình làm vậy để đòi… vài triệu đồng ?
Tại buổi làm việc với PNVN ngày 27/9, GS. Trịnh Hồng Sơn, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho biết, đúng là có việc bệnh nhân Lê Thị Hà phản ánh về việc bị cắt thận cách đây 4 năm.
Theo GS. Trịnh Hồng Sơn, việc bệnh nhân bị siêu âm thấy 2 thận là “đúng”. Sau đó, các bác sĩ có nghi ngờ nên đã cho đi chụp Xquang lại và chỉ thấy 1 thận. Đây là sai sót của bác sĩ. BV đã yêu cầu bác sĩ thực hiện siêu âm rút kinh nghiệm và nhắc nhở toàn đơn vị để mọi người cẩn trọng hơn.
Về ca mổ gần 4 năm trước, bệnh nhân xác định có sỏi được chỉ định mổ. Trước khi phẫu thuật, bác sĩ đã giải thích về các nguy cơ cho bệnh nhân như: nhiễm trùng, chảy máu, cắt thận, thậm chí tử vong và yêu cầu ký cam kết. Tuy nhiên, GS. Sơn cũng thừa nhận, trên giấy cam kết chỉ ghi là mổ chứ không ghi là “cắt thận”. “Trên giấy cam kết chỉ ghi là đã giải thích rõ các nguy cơ, chứ không ghi rõ là phải cắt thận vì như thế rất phản cảm”, GS. Sơn nói.
Trả lời câu hỏi về việc gia đình cho rằng không biết việc phẫu thuật cắt thận, GS. Sơn cho rằng như vậy là không đúng. Bởi ngoài việc đã được giải thích, sau phẫu thuật bệnh nhân còn nằm điều trị tại BV một tuần. Trên phiếu theo dõi hàng ngày có ghi chữ cắt thận để gia đình bệnh nhân theo dõi. Hơn nữa, BV còn một số giấy tờ như Giấy ra viện; Giấy chứng nhận cách thức phẫu thuật. “Thậm chí quả thận bị cắt cũng phải gửi xuống Khoa Giải phẫu bệnh để đánh giá quả thận có đáng bị cắt hay không. Khi bệnh nhân đến BV, tôi đã yêu cầu khám lại, kiểm tra cả ổ bụng, tim, thận, thậm chí cả não và được miễn phí. Tôi có thể quyết được việc này. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ muốn đòi tiền”, GS. Sơn nói.
Khi chúng tôi hỏi, gia đình đòi nhiều tiền hay không, GS. Sơn cho biết, khoảng 3-5 triệu đồng. “Tôi đã quán triệt anh em không được đưa tiền cho gia đình bệnh nhân. Tuy nhiên, không hiểu sao lãnh đạo một khoa lại đưa cho họ 5 triệu đồng”, bác sĩ Sơn nói.
Tuy nhiên, gia đình bệnh nhân cho rằng, sau khi phản ánh sự việc, lãnh đạo BV đề nghị bà nằm viện để kiểm tra sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, bà cho biết khi đi khám bệnh chỉ mang theo 5 triệu đồng đã tiêu hết (khám, bệnh, siêu âm, chụp Xquang) quần áo cũng không mang theo nên xin về. Hơn nữa, bà cho rằng, việc BV siêu âm sai, dẫn đến bà phải đi chụp Xquang, siêu âm lại là tốn kém nên yêu cầu BV trả lại số tiền 3 triệu đồng đã nộp. Sau khi trao đổi, lãnh đạo một khoa đã cho bà tạm ứng 5 triệu đồng đề về nhà. Sau khi về nhà, bà đã làm đơn gửi Bộ Y tế, BV Việt Đức đề nghị làm rõ. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà không nhận được phản hồi nên chưa quay lại BV. Bà Nga cũng đề nghị BV phải có trách nhiệm hỗ trợ chi phí điều trị do liên quan đến việc tự ý cắt thận. "Gia đình tôi không đòi BV bồi thường mà chỉ yêu cầu BV phải có trách nhiệm trong việc hỗ trợ chi phí điều trị sau này nếu sức khỏe bị ảnh hưởng do cắt thận", bà Nga nói.