pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gia Lai: Phát huy nội lực người cao tuổi góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh
Hội LHPN phường Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai, ra mắt Câu lạc bộ Dân vũ vui khỏe. Ảnh: Bá Bính
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, tổng số người cao tuổi trên địa bàn tỉnh là 139.730 người, chiếm tỷ lệ 8,9% (so với tổng dân số). Trong đó, phụ nữ cao tuổi là hơn 72 ngàn người, chiếm gần 52%. Những năm qua, với vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội LHPN tỉnh Gia Lai luôn quan tâm chỉ đạo tổ chức các hoạt động chăm lo dành riêng cho phụ nữ cao tuổi, qua đó phát huy vai trò của phụ nữ cao tuổi trong gia đình và cộng đồng.
Tích cực chăm lo, thu hút phụ nữ cao tuổi tham gia hoạt động Hội
Để chăm lo cho người cao tuổi, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh ký kết chương trình phối hợp về tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ cao tuổi giai đoạn 2022 - 2027. Trong các nội dung ký kết, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi, trong đó có phụ nữ là một trong những nội dung trọng tâm. Qua đó, góp phần phát huy vai trò của phụ nữ cao tuổi trong sự nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thu hút đông đảo phụ nữ cao tuổi tham gia xây dựng tổ chức Hội.
Từ khi ký kết đến nay, các cấp Hội đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về các vấn đề liên quan đến người cao tuổi nói chung, phụ nữ cao tuổi nói riêng. Hội đã tổ chức 20 buổi truyền thông kiến thức cho hội viên, phụ nữ cao tuổi về các chế độ, chính sách liên quan đến người cao tuổi; vai trò của Hội phụ nữ trong công tác chăm sóc phụ nữ cao tuổi; thực hiện Luật Người cao tuổi, các chế độ chính sách liên quan đến phụ nữ cao tuổi; vai trò của Hội phụ nữ trong công tác chăm sóc phụ nữ cao tuổi trong giai đoạn hiện nay...
Phát huy nội lực của người cao tuổi, Hội luôn đề cao vai trò của phụ nữ cao tuổi trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực thực hiện các phong trào thi đua: "Xây dựng người Phụ nữ Gia Lai thời kỳ mới: Tiến bộ trong nhận thức, sáng tạo trong hành động, trách nhiệm với cộng đồng"; Cuộc vận động xây dựng "Gia đình văn hóa", "Gia đình 5 có, 3 sạch", "Gia đình 5 không, 3 sạch", "xây dựng nông thôn mới và đô thi văn minh"; xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, tổ dân phố, việc chấp hành nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; vai trò nêu gương của ông, bà đối với con cháu trong xây dựng gia đình, khu phố, làng bản văn minh, tiến bộ.
Không chỉ tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, các cấp Hội phụ nữ còn tích cực phối hợp với Hội người cao tuổi tuyên truyền, vận động hội viên là phụ nữ cao tuổi tham gia phong trào "Tuổi cao - gương sáng"; vận động cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ tích cực hưởng ứng cuộc vận động "Toàn xã hội chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi". Đặc biệt, các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, cải thiện đời sống vật chất, phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo.
Chú trọng xây dựng các mô hình phù hợp với phụ nữ cao tuổi
Trong những năm qua, Hội LHPN tỉnh thường xuyên phối hợp với chính quyền, các ban/ngành, đoàn thể tổ chức các hoạt động chăm sóc và nâng cao đời sống của phụ nữ cao tuổi. Nhiều hoạt động chăm lo thiết thực đến thể chất, tinh thần của phụ cao tuổi được tiến hành thường niên như: thăm khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người cao tuổi; tổ chức sinh hoạt văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao phù hợp với người cao tuổi; vận động phụ nữ cao tuổi tham gia tập dưỡng sinh, tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao. Đến nay, Hội dã thăm, tặng quà cho người cao tuổi với số tiền trị giá 156 triệu đồng; xây dựng 3 mái ấm tình thương cho phụ nữ cao tuổi nghèo với số tiền 165.000.000 đồng; tổ chức sinh nhật cho các cụ thông qua các buổi sinh hoạt chi, tổ Hội, câu lạc bộ với số quà trị giá gần 100 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng rất quan tâm xây dựng các mô hình hoạt động phù hợp với phụ nữ cao tuổi, toàn tỉnh đã có 91 câu lạc bộ thu hút phụ nữ cao tuổi tham gia với 1.930 thành viên với các mô hình hiệu quả như: "Liên thế hệ tự giúp nhau", "Mẹ hiền dâu thảo", "Tổ dệt thổ cẩm, "Múa cồng chiêng", "Phụ nữ với văn hóa cồng chiêng", "Thơ ca, văn thể mỹ", "Phụ nữ tuổi 60", "Nhạc cụ dân tộc", "Hát ru, hát dân ca", "dưỡng sinh", "Dân vũ", "Phụ nữ cao tuổi giúp nhau sống vui, sống khỏe"… Các mô hình hoạt động của người cao tuổi đã trở thành sân chơi để phụ nữ cao tuổi tham gia sinh hoạt, nâng cao kiến thức về dinh dưỡng và vận động để sống vui sống khỏe, sống có ích với gia đình, xã hội.
Từ các câu lạc bộ, cuộc sống của các thành viên cao tuổi đã có nhiều thay đổi, tinh thần lạc quan, vui vẻ hơn, các thành viên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, tham gia vào những hoạt động bổ ích cho chính bản thân để sống vui, sống khỏe và sống có ích cho xã hội.
Có thể nói, với sự đổi mới, sáng tạo, phát huy tính kết hợp trong tổ chức các hoạt động, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Gia Lai đã thu hút ngày càng nhiều phụ nữ cao tuổi tích cực tham gia sinh hoạt Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các cấp, ngành và toàn xã hội trong chăm lo, bảo vệ và tổ chức các hoạt động cho phụ nữ cao tuổi; phát huy vai trò của phụ nữ cao tuổi trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.