Giả người thân, gọi điện lừa phụ nữ hàng tỷ đồng

26/07/2016 - 15:06
Sau khi tìm được số điện thoại của những người phụ nữ lớn tuổi, giàu có, kẻ lừa đảo đã dựng lên những màn kịch có người quen ở Việt Nam bị “tai nạn giao thông” hoặc mắc bệnh đang điều trị để mượn tiền. Kiểu lừa tinh vi này khiến nhiều nạn nhất sập bẫy.

Công an TP.HCM vừa bắt khẩn cấp nghi can Phan Văn Ngoan (SN 1959, ngụ xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM) để mở rộng điều tra, xử lý về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Tại cơ quan điều tra, Ngoan khai nhận đã thực hiện rất nhiều vụ lừa đảo bằng hình thức, thủ đoạn mới và hết sức tinh vi. Cụ thể, Ngoan đã lên các trang mạng xã hội tìm thông tin về người bị hại (thường là nữ, lớn tuổi hoặc chủ doanh nghiệp giàu có), có thể hiện số điện thoại cố định rồi gọi điện thoại trò chuyện để “moi” thêm thông tin từ chính người bị hại.

Ngoan rất xảo ngôn, ứng phó tình huống lanh lẹ nên khi biết một số nạn nhân có người thân ở nước ngoài, đã lâu không gặp thì lập tức nhận là bà con. Sau khi lấy được sự tin cậy của nạn nhân, Ngoan viện cớ có “người quen” ở Việt Nam đang bị bệnh, bị tai nạn giao thông nghiêm trọng cần giúp đỡ gấp mà bản thân chưa thu xếp về được nhờ nạn nhân cho mượn tiền, gửi vào tài khoản do Ngoan chỉ định và dính bẫy lừa đảo tinh vi của Ngoan.

ngoan.jpg
Kẻ lừa đảo bị bắt giữ tại cơ quan điều tra.

Theo thông tin từ phía công an cung cấp, vào ngày 28/4/2016, Ngoan đã gọi điện thoại cố định cho bà Lâm Thị C. (SN 1949, ngụ ở quận 1, TPHCM) và tự xưng tên là Cọc - là cháu của bà C. đang ở nước ngoài. Do có nhiều họ hàng bên nước ngoài, trò chuyện thấy một số thông tin “trùng khớp” nên bà C. cũng tin tưởng. Vài ngày sau, Ngoan tiếp tục gọi điện cho bà C. và nói muốn giúp đỡ người bạn ở Việt Nam chữa bệnh cho con nhưng chưa kịp chuyển tiền về. Ngoan lần lượt 2 lần hỏi mượn và hướng dẫn bà C. chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng...

Một vụ khác mà Ngoan cũng thực hiện trot lọt là ngày 14/4/2016, Ngoan đã gọi điện thoại cho bà Võ Thị Ánh T. (SN 1957, ngụ quận 1) nói là người bạn tên Sĩ của bà T, đang cùng vợ qua Mỹ thăm con. Đúng bà T. có người bạn tên Sĩ và qua điện thoại bà cũng không phân biệt được, từ đó lầm tưởng.

mo-tai-khoan.jpg
Vô số sim, chứng minh nhân dân, thẻ ngân hàng để Ngoan làm công cụ lừa đảo.

Sau đó, Ngoan hỏi mượn bà T. lần lượt 45 triệu đồng và 100 triệu đồng, để lo cho đứa cháu bị tai nạn ở TP.Cần Thơ cần tiền phẫu thuật gấp. Bà T. đã 2 lần chuyển tiền vào tài khoản theo hướng dẫn của Ngoan.

Cơ quan công an nhận định, nạn nhân phần lớn là phụ nữ lớn tuổi nên không phán đoán được giọng nói, cả tin nên đã chuyển tiền cho Ngoan. Trong quá trình lừa đảo, Ngoan đã sử dụng sim rác, gọi xong thì bẻ, vứt bỏ để phi tang chứng cứ. Khi bị bắt, Ngoan thừa nhận đã thực hiện hành vi lừa đảo từ đầu năm 2016 đến nay, nhằm kiếm tiền trả nợ cá độ bóng đá và để tiêu xài cá nhân.

Giúp sức đắc lực cho Ngoan là Trần Thị Tuyết Phong (sinh năm 1980, ngụ quận 4). Mặc dù biết mục đích lừa đảo của Ngoan, song Phong vẫn dùng chứng minh nhân dân của mình và nhiều người khác tới ngân hàng Sacombank mở tài khoản ATM để Ngoan sử dụng rút tiền lừa đảo. Với mỗi thẻ ATM, Ngoan trả cho Phong 2 triệu đồng.

Cơ quan điều tra nhận định đây là hành vi lừa đảo mới, thủ đoạn tinh vi. Kẻ lừa đảo thường chọn nạn nhân là phụ nữ lớn tuổi, có tài sản, có người thân bên nước ngoài để ra tay chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, cơ quan công an cũng khuyến cáo người dân cần nêu cao cảnh giác khi có đối tượng gọi điện thoại mượn tiền bằng thủ đoạn nêu trên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm