“Gia sản” nhân văn của nhà khoa học nữ được đề cử Giải thưởng Kovalevskaia

Linh Trần
10/02/2021 - 12:00
“Gia sản” nhân văn của nhà khoa học nữ được đề cử Giải thưởng Kovalevskaia

TS.BS Trần Thị Hoa và bộ sách 3 cuốn được đánh giá cao

TS.BS Trần Thị Hoa quê ở Thừa Thiên Huế. Ngay từ nhỏ, cô bé Hoa đã mong muốn được khoác trên mình chiếc áo Blouse trắng để cứu người.

Vì thế, Hoa quyết chí học hành. Năm 1982, bà tốt nghiệp Bác sĩ Nhi khoa tại Đại học Y khoa Huế. "Trong huyết quản tôi luôn sục sôi tình yêu mãnh liệt với Nhi khoa đến nỗi nó thôi thúc tôi quyết chí học để vào được chuyên ngành Nhi. Thời đó, tại Đại học Y khoa Huế đề ra tiêu chuẩn học viên muốn đi theo chuyên ngành Nội hoặc Nhi phải đạt các điểm chuyên môn trung bình từ 8 điểm trở lên, là mức cao nhất so với các chuyên khoa còn lại", bà kể.

Sau khi thành bác sĩ, bà ra Hà Nội và lập gia đình. Thời điểm ấy xin việc rất khó, tuy nhiên GS Từ Giấy (nhà sáng lập Viện Dinh dưỡng Quốc gia) xét thấy năng lực của bà có phần nổi trội nên đã tiếp nhận cho làm Trợ lý Viện trưởng. Tuy nhiên, tình yêu Nhi khoa của bà vẫn không phai nhòa nên bà tiếp tục học để trở lại với Nhi khoa bằng cách dự thi Chương trình Tiến sĩ. Đặc biệt, chỉ tiêu chỉ có 1 trong khi có tới 3 ứng viên, song bà đã thành công. Năm 1990, bà bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Y Hà Nội với đề tài "Điều trị suy dinh dưỡng trẻ em".

Những năm sau đó, bà đã được mời làm việc cho các tổ chức như WHO, UNICEF, UNFPA, WPF, AusAID... với vai trò chuyên gia. Bà cùng làm việc với các chuyên gia hàng đầu thế giới và đã nhận được học bổng của UNICEF đến Mỹ học. Tố chất ham học đã khiến bà ở tuổi 47 vẫn thi để nhận được học bổng Chương trình Thạc sĩ Quản lý Bệnh viện quốc tế do Chính phủ Đức cấp. Ngoài học chính thống ở Mỹ và Đức, bà còn dự hội nghị khoa học và tham quan thực tế tại các trường Y - bệnh viện hàng đầu ở các nước như Anh, Pháp, Nhật, Áo, Thụy Điển, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan…

 GS.TS Nguyễn Thu Nhạn, Chủ tịch danh dự Hội Nhi khoa Việt Nam , nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết: TS.BS Trần Thị Hoa đã có giai đoạn làm việc tại BV Nhi TƯ thời bà làm Giám đốc. GS.Nhạn cho rằng tầm hiểu biết về Nhi khoa - Sức khỏe bà mẹ trẻ em của TS.BS Trần Thị Hoa thuộc hạng hiếm ở nước ta. "Tôi nhận thấy ở Hoa hội tụ đủ các tố chất của một nhà khoa học chân chính và tràn trề nhiệt huyết, ý chí mạnh mẽ, học không có tuổi và muốn cống hiến cho xã hội", GS Nguyễn Thu Nhạn nhận xét.

Công trình "để đời"

"Tôi từng chứng kiến những người vợ trẻ đột ngột lìa xa chồng vĩnh viễn do sinh nở. Hay có phụ nữ ở miền núi mắc biến chứng thai sản nguy kịch nhưng người chồng thốt lên rằng "chết thì thôi, không có tiền chuyển lên tuyến trên". Hay những tiếng than não nuột từ cha mẹ của các con thơ mắc bệnh bẩm sinh không đủ tiền chi trả khoản phí vượt mức bảo hiểm", TS.BS Trần Thị Hoa kể. 

Những vấn đề sức khỏe và tình cảnh trên khiến bà day dứt và quyết tâm góp một phần sức mình để thay đổi. Vì thế, suốt nhiều năm, bà tập trung nghiên cứu chăm sóc sức khỏe cho trẻ ngay từ khi còn nằm trong bào thai. Đến tháng 3/2020, bộ sách "Chăm sóc sức khỏe trẻ em toàn diện" kết hợp truyền thống và hiện tại của bà chính thức được phát hành. Bộ sách gồm 3 cuốn: Chăm sóc em bé trước sinh; Giúp trẻ em phát triển tối ưu; Phát hiệu trẻ bệnh và chăm sóc phù hợp.

Theo TS.BS Trần Thị Hoa, bộ sách đã góp phần lấp khoảng trống tri thức trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đồng thời, giúp người dân hiểu rằng, chăm sóc sức khỏe trẻ em phải bắt đầu từ chăm sóc bà mẹ mang thai rồi tiếp nối các thời kỳ trẻ sau khi sinh, gắn phòng bệnh với chữa bệnh bằng kết hợp Đông - Tây y nhằm tăng hiệu quả, giảm tác hại, dễ áp dụng và chi phí thấp. Văn phong của tác giả mềm hóa được tính khô khan của y học, gần gũi đời thường nên đáp ứng được nhiều đối tượng độc giả.

Các chuyên gia Nhi khoa hàng đầu Việt Nam cho rằng, xét cả nội dung lẫn hình thức, đây là bộ sách viết về Chăm sóc Sức khỏe Trẻ em đầy đủ và bài bản nhất từ trước tới nay. Trong vòng 6 tháng, đã xuất bản 2 lần với trên 6.000 cuốn sách được độc giả trong và ngoài ngành Y đón nhận kèm những lời khen và tình cảm dành cho tác giả. Bộ sách đã gây tiếng vang lớn, đông đảo giảng viên, sinh viên tìm đến các hiệu sách để đặt mua.

GS.TS.BS Trần Quỵ, nguyên Giám đốc BV Bạch Mai (Hà Nội), đã phải thốt lên: "Lần đầu tiên tôi đọc được bộ sách về chăm sóc sức khỏe trẻ em đầy đủ, công phu và bài bản như thế này! Trên cơ sở dựa vào khung chương trình chăm sóc sức khỏe ban đầu của WHO, tác giả chọn lọc những kiến thức tinh túy nhất của cả 2 nền y học hiện đại và cổ truyền mà tất cả mọi người có thể học và làm theo, là cách tiếp cận tiến bộ đầy nhân văn góp phần cải thiện sức khỏe và giảm tỷ lệ bệnh tật cũng như tử vong ở bà mẹ, trẻ em".

GS. Nguyễn Thu Nhạn vốn nghiêm khắc và kiệm lời cũng phải thốt lên: "Bộ sách của TS. Hoa quả là có một không hai, rất đáng để đọc, nghiên cứu và học tập".

“Gia sản” nhân văn của nhà khoa học nữ được đề cử Giải thưởng Kovalevskaia - Ảnh 1.

TS.BS Trần Thị Hoa

Đề cử Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020-2021

Suốt cả đời đam mê nghiên cứu khoa học, đến nay TS.BS Trần Thị Hoa đã có 11 công trình về lĩnh vực sức khỏe trẻ em và sức khỏe sinh sản. Ngoài chủ biên bộ sách 3 quyển "Chăm sóc sức khỏe trẻ em toàn diện" kết hợp truyền thống và hiện tại, bà còn đồng chủ biên 2 cuốn sách khác. Trong những năm 2002-2011, các công trình nghiên cứu khoa học của bà đã được trao nhiều giải thưởng. Đơn cử: Đề án "Xây dựng mô hình tự học qua sử dụng công nghệ thông tin" của bà đã được giải Nhất do Tập đoàn Samsung khu vực ASEAN trao tặng trị giá 43.000 USD. Bà đã dùng số tiền này trang bị 2 phòng máy vi tính cho 1.700 sinh viên của Đại học Y Dược TPHCM. Đề án "Vận động xã hội hóa trong chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ và trẻ em" của bà được Ngân hàng Thế giới trao giải trị giá 4.000 USD. Bà đã dùng để triển khai đào tạo nhân viên y tế của tỉnh Vĩnh Long.

Từ năm 2012 đến nay, TS.BS Trần Thị Hoa không ngừng chia sẻ với các giảng viên và bác sĩ trẻ, các sinh viên ngành y dược trong cả nước về kiến thức các môn y khoa cơ bản, phương pháp học lý thuyết và lâm sàng, những tố chất là một giảng viên, nghiên cứu viên, thầy thuốc và tầm nhìn trong y khoa, chăm sóc sức khỏe.

"Mang hết sức mình cống hiến cho y học nói chung và Nhi khoa nói riêng nhằm giúp trẻ em phát triển cả trí lực và thể lực toàn diện, thành những công dân cường tráng và minh mẫn, biết làm cho bản thân hạnh phúc và góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh hơn, là tôi mãn nguyện", TS.BS Trần Thị Hoa bày tỏ.

Trước sự xuất sắc của "hậu bối" cả về trình độ chuyên môn, nghiên cứu khoa học cũng như nhân cách, GS. Nguyễn Thu Nhạn đã gửi thư đến nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Chủ tịch danh dự Hội Nữ Trí thức Việt Nam, đề cử TS.BS Trần Thị Hoa vào danh sách xét duyệt và trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020-2021.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm