Theo báo cáo của Ban chỉ đạo chương trình phòng, chống mua bán người (gọi tắt là Chương trình 130/CP), từ cuối 2015 đến giữa tháng 5/2018, toàn quốc phát hiện xảy ra 868 vụ mua bán người, với 1.140 đối tượng lừa bán 2.355 nạn nhân, giảm 28% so cùng kỳ giai đoạn 2011 - 2015, nhưng tăng 7% số nạn nhân.
Phó trưởng ban chỉ đạo Chương trình 130, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, cho biết: Các đối tượng lợi dụng tình cảnh nạn nhân khó khăn kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Thủ đoạn này tập trung ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
Đặc biệt, nạn nhân ở vùng miền xuôi, có trình độ nhận thức nhất định vẫn bị lừa bán. Các đối tượng lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin, qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, Viber… để làm quen, giả vờ yêu đương, kết bạn nhằm môi giới hôn nhân nước ngoài trái phép. Thủ đoạn này có xu hướng tăng mạnh ở các tỉnh phía Nam. Đơn cử, Công an tỉnh Đồng Tháp đã bắt tạm giam đối tượng Phạm Thanh Sang (sinh năm 1986, trú tại huyện Lai Vung) về hành vi lừa bán tới 7 phụ nữ sang Trung Quốc với cùng 1 thủ đoạn như trên.
Theo Ban chỉ đạo Chương trình 130, gần đây xuất hiện đường dây mua bán người nước ngoài qua Việt Nam là nước trung chuyển, do đối tượng người Việt Nam chủ mưu, cầm đầu. Cụ thể: Công an Lạng Sơn bắt quả tang Thạch Hiệp (sinh năm 1967, trú tại Sóc Trăng) lừa đưa 2 mẹ con là người Cam pu chia để bán sang Trung Quốc.
Đặc biệt, tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Công an Lào Cai phối hợp với Công an Trung Quốc bắt 7 đối tượng lừa bán 3 em học sinh trường THPT trên địa bàn tỉnh Lào Cai; Công an Yên Bái bắt 3 đối tượng cùng trú tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) về hành vi mua bán trẻ em…
Các đối tượng này lợi dụng sự quản lý lỏng leo của gia đình, nhà trường; đồng thời thông qua trang mạng xã hội để tiếp cận, rủ rê, lôi kéo các em đi du lịch, mua tặng quà, hoặc lừa đưa đi làm thuê thu nhập cao. Các em bị lừa đi vào các quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động hoặc lừa bán sang Trung Quốc.
Theo báo cáo Sơ kết thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 1 (2016 - 2018), các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp bị buôn bán. 100% nạn nhân tiếp nhận được hỗ trợ ban đầu, được tư vấn tâm lý, khám sức khỏe, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Căn cứ nhu cầu, nguyện vọng của nạn nhân, trên 50% số nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được hỗ trợ các dịch vụ liên quan như: trợ cấp khó khăn, học nghề, tạo việc làm, khám chữa bệnh, tạo điều kiện cho vay vốn lãi suất thấp để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng…
Trong giai đoạn 2016 - 2018, các bộ, ngành, đoàn thể đã tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, trọng tâm trong tháng cao điểm hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người - ngày 30/7”. Trong đó, Hội LHPNVN tổ chức các hoạt động triển khai thực hiện “Chiến lược truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng”. Trong đó, biên tập tài liệu, tổ chức truyền thông tại cộng đồng cho hàng chục ngàn lượt người ở các tỉnh miền núi; đồng thời chỉ đạo cấp Hội địa phương phối hợp tổ chức quốc tế tổ chức hàng trăm lớp tập huấn cho cán bộ Hội để nâng cao năng lực, phản biện xã hội về bình đẳng giới và phòng, chống mua bán người. Báo cáo sơ kết Chương trình phòng chống mua bán người giai đoạn 1 (2016 - 2018) |